Trong những năm gần đây, rối loạn chuyển hóa lipid và bệnh béo phì đã trở thành vấn đề được toàn thế giới quan tâm vì nó liên quan đến tỷ lệ mắc và tử vong của nhiều bệnh. Theo thống kê về gánh nặng bệnh tật toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2019 rối loạn lipid máu (hay gọi mỡ máu cao) gây ra gần 4,4 triệu ca tử vong tương đương 7,78% số ca tử vong trên toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, theo thống kê của Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam năm 2018, có 200.000 người Việt đột quỵ mỗi năm do rối loạn mỡ máu. Nghiên cứu cho thấy, những người có lượng cholesterol trong máu cao có tỷ lệ mắc bệnh mạch vành cao gấp 2 – 3 lần so với người có lượng cholesterol bình thường (bình thường cholesterol máu dưới 5,2 mmol/l).
Cholesterol là gì ? Cholesterol là một chất có kết cấu trông giống như sáp được tìm thấy trong máu và là thành phần quan trọng tham gia cấu tạo tế bào trong cơ thể. Cholesterol cũng cần thiết cho các hoạt động của não bộ, hệ miễn dịch, đảm bảo chức năng sống còn và duy trì nòi giống…. Cơ thể chúng ta luôn cần có một lượng cholesterol vừa đủ để duy trì các hoạt động diễn ra bình thường. Cholesterol được tìm thấy từ 2 nguồn chính: 80% do gan của cơ thể tự tạo ra và 20% còn lại là từ thức ăn có nguồn gốc động vật.
Hàm lượng cholesterol dư thừa gây ra hậu quả gì? Mặc dù cholesterol cần thiết cho hoạt động của cơ thể, nhưng quá nhiều cholesterol có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe và gây ra các bệnh như:
Bệnh tim mạch: Tăng cholesterol máu là nguyên nhân chủ yếu của quá trình xơ vữa và dần làm hẹp các động mạch cung cấp máu cho tim dẫn đến thiếu máu cơ tim, nguy hiểm hơn là nhồi máu cơ tim. Bên cạnh đó, để cung cấp đầy đủ nhu cầu máu do hẹp các động mạch, cơ thể có những đáp ứng như tăng nhịp tim, tăng sức co bóp tim, tăng hấp thu giữ nước trong cơ thể… dẫn đến tăng huyết áp;
Đột quỵ: Các mảng xơ vữa do cholesterol lắng đọng trong thành mạch sẽ làm hẹp lòng mạch, dẫn đến giảm lưu lượng tuần hoàn và gây ra thiếu máu não. Ở cấp độ nặng hơn, dòng máu lên não bị tắc nghẽn hoàn toàn và gây ra đột quỵ não.
Tiểu đường: Rối loạn mỡ máu làm tăng các chất béo tự do trong máu, làm chết hoặc rối loạn chức năng tế bào tụy, dần dần gây ra suy giảm bài tiết insulin, gây tăng đường huyết.
Ngoài ra hàm lượng cholesterol dư thừa còn gây ra các bệnh khác như gan nhiễm mỡ; sỏi mật; béo phì…
Khi nào cần tầm soát cholesterol máu? Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch học Việt Nam và hướng dẫn của Hội Tim/Hội xơ vữa động mạch Châu Âu, các đối tượng cần được khảo sát lipid máu gồm:
Người đã được xác định là có bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.
Người có nguy cơ bị biến cố tim mạch do xơ vữa động mạch: đái tháo đường, tăng huyết áp, hút thuốc, béo phì (BMI ≥ 25 kg/m2 hoặc vòng eo > 90 cm đối với nam, > 80 cm đối với nữ), bệnh thận mạn, tiền sử gia đình mắc bệnh tim sớm…
Tất cả nam ≥ 40 tuổi và nữ ≥ 50 tuổi hoặc sau mãn kinh. Con cái của người có rối loạn lipid máu nặng cần được tầm soát sớm từ lứa tuổi thiếu niên. Người có biểu hiện lâm sàng của rối loạn lipid máu di truyền (xanthoma, xanthelasma) cũng cần được khảo sát lipid máu sớm.
Yếu tố nào ảnh hưởng tới hàm lượng cholesterol trong máu? Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn nhiều chất béo bão hòa có trong sản phẩm làm từ động vật và chất béo chuyển hóa có trong một số bánh quy ngọt, bánh quy giòn, gà rán, … ;Thừa cân-béo phì (BMI≥23) thường có mức cholesterol cao hơn người bình thường; Ít vận động, không tập thể dục, thể thao nhiều; Hút thuốc lá; Uống rượu, bia nhiều; Bệnh tiểu đường.
Làm thế nào để phòng ngừa cholesterol máu cao ?
Cải thiện chế độ ăn uống: Chọn các nguồn protein nạc, chẳng hạn như thịt gà, cá và các loại đậu; Ăn nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt; Chọn thực phẩm nướng, hấp và luộc thay vì thực phẩm chiên rán; Ăn chất béo lành mạnh như dầu ô liu, bơ,… ; Tránh thức ăn nhanh và đồ ăn đóng gói sẵn, thịt đỏ, nội tạng, lòng đỏ trứng và các sản phẩm từ sữa giàu chất béo; Thực phẩm chiên ngập dầu, đặc biệt khoai tây chiên, hành tây và gà rán….
Tập thể dục thường xuyên: Cố gắng duy trì thói quen tập thể dục vừa phải từ 30 đến 60 phút mỗi ngày bằng các môn như đạp xe, chạy bộ, bơi lội và khiêu vũ… Duy trì chỉ số khối cơ thể ở mức hợp lý BMI từ 18,5 đến 22,9 kg/m2 và vòng bụng không quá 90cm ở nam và 80cm ở nữ (người Châu Á).
Ngưng thuốc lá, hạn chế rượu bia: Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mỗi người không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày (đối với nam), 1 đơn vị cồn/ngày (đối với nữ) và không uống quá 5 ngày/tuần (1 đơn vị cồn tương đương với ¾ lon bia 330ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5%) hoặc một chén rượu mạnh 30ml (40%).
Rối loạn lipid máu ngày càng phổ biến, là bệnh lý làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng như tim mạch, đột quỵ não thậm chí là tử vong. Vì vậy để điều hòa lipid và ổn định cholesterol máu, người bệnh cần thực hiện một chế độ dinh dưỡng khoa học kết hợp với luyện tập và sử dụng thuốc theo yêu cầu của bác sĩ. Nên khám định kỳ thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm trước khi bệnh chuyển biến nặng hơn./.
Bs. Mai Hồng Thịnh – Khoa PCBKLN, TT.KSBT An Giang