An Giang, thời tiết mùa hè năm nay bắt đầu nắng nóng nhiều hơn có nhiều diễn biến bất thường, nhiệt độ ngoài trời từ 34-37oC, năm nay nhiệt độ tăng hơn, sớm hơn so với mọi năm và diễn ra trên diện rộng. Với nhiệt độ cao như thế có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Theo các chuyên gia, thời tiết nắng nóng sẽ mắc một số bệnh thường gặp như: tiêu chảy, bệnh về da, ngộ độc thức ăn, nhiễm siêu vi, tay chân miệng, thủy đậu, viêm não Nhật Bản, viêm màng não, sốt xuất huyết…
Các biện pháp phòng bệnh:
- Khi trời nắng nóng hạn chế khỏi nhà. Nếu phải ra khỏi nhà cần đội mũ rộng vành, mặc quần áo chống nắng. Không tắm biển, tắm sông khi nắng gắt từ 12 – 16 giờ chiều.
- Vệ sinh cá nhân: Tạo thói quen rửa tay sạch sẽ – đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình.
- Vệ sinh môi trường sống xung quanh, luôn giữ cho môi trường sống thông thoáng, trong lành như: phát quang môi trường, xử lý các vật dụng, nơi có thể đọng nước, không để muỗi vằn gây bệnh Sốt xuất huyết có điều kiện phát triển, hạn chế sự lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm.
- Thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm: ăn chín, uống chín, lựa chọn thực phẩm tươi, rõ nguồn gốc. Không nên lạm dụng nước lạnh, nước đá. Cần uống đủ lượng nước hàng ngày, người lớn là 2 lít nước, trẻ em uống khi trẻ khát; ăn nhiều rau củ quả, bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Việc tiếp xúc nhiều với nắng nóng có thể gây nên sạm da, bỏng nắng, gây lão hóa da sớm và thậm chí có thể gây ung thư da. Đồng thời, mùa nóng cũng làm cho cơ thể ra nhiều mồ hôi dễ gây nên các bệnh về da như rôm sảy, viêm lỗ chân lông, viêm da dị ứng…Người dân khi ra đường cần sử dụng kem chống nắng, uống đủ nước, che chắn kín để tránh các bệnh lý về da.
- Tiêm chủng cho trẻ các loại bệnh mùa hè mà đã có vắc xin như: Cúm, Viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ, thủy đậu ./.
Huỳnh Phú Hội – Trung tâm Y tế TP. Châu Đốc