Ngày Quốc tế Nữ Hộ sinh 5/5 nhằm ghi nhận và tôn vinh những cống hiến của các Nữ hộ sinh. Nữ hộ sinh là người đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Vì vậy từ năm 1991 đến nay, ngày 5/5 hàng năm được chọn là ngày Quốc tế nữ hộ sinh – một ngày tôn vinh những người phụ nữ thầm lặng, những người luôn quan tâm, chăm sóc sức khỏe người khác, mang niềm vui, nụ cười cho các gia đình mỗi khi chào đón thành viên mới.
Nhằm ghi nhận và tôn vinh những cống hiến của các Hộ sinh, những người luôn luôn nỗ lực để đảm bảo sức khỏe, chất lượng tốt nhất cho mẹ bầu và các bé sơ sinh. Hội nghị Hộ sinh quốc tế được tổ chức tại Hà Lan năm 1987 lần đầu tiên đã nêu ra ý tưởng thành lập Ngày Hộ sinh quốc tế. Với sự hỗ trợ của Hội đồng điều dưỡng thế giới (ICN) – Hội nghề nghiệp được thành lập sớm nhất (từ năm 1899) và có số thành viên đông đảo nhất trong lĩnh vực y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Ngày Hộ sinh quốc tế lần đầu được tổ chức vào ngày 05/05/1991. Từ đó, ngày 5/5 được xem là ngày Quốc tế Hộ sinh. Vào ngày này, mọi người sẽ nhắc nhớ và tôn vinh những người nữ hộ sinh- mắt xích quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng. Đây là sự kiện lớn của ngành Y tế cũng như ngành Hộ sinh nói riêng.
Tại Việt Nam, được sự giúp đỡ của Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam, bà Chieko Nohno hiện là Nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản và một số cơ quan ban ngành Trung ương, ngày 16/10/1995 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 657/QĐ-TTg về việc phê duyệt thành lập Hội Hộ sinh Việt Nam nhằm đoàn kết xây dựng ngành hộ sinh, giúp đỡ hội viên tiến bộ để góp phần vào việc tăng cường sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên. Hội Hộ sinh Việt Nam chính thức ra mắt năm 1995.
Nữ hộ sinh hỗ trợ các bà mẹ trong suốt quá trình mang thai và sinh nở, cung cấp dịch vụ chăm sóc trước sinh, trong và sau khi sinh, các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, cũng như khám sàng lọc ung thư vú và cổ tử cung. Hộ sinh là những nhân viên y tế giữ vai trò quan trọng và không thể thiếu trong quá trình cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân. Trong đó, hộ sinh là những người đã dành cả cuộc đời để chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ và trẻ em; tham gia tiêm chủng và tư vấn sức khỏe cũng như chịu trách nhiệm cung cấp và đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho các phụ nữ, bà mẹ và trẻ sơ sinh hàng ngày.
Nữ hộ sinh là là những chuyên viên y tế chăm sóc sức khỏe của các sản khoa, phụ khoa, phụ nữ sau sinh và trẻ sơ sinh hay còn được gọi là “Bà đỡ”. Nữ hộ sinh không chỉ là “Bà đỡ”, ngoài nhiệm vụ đỡ đẻ, họ còn có vai trò vô cùng quan trọng đối với các sản phụ trong quá trình thực hiện kế hoạch chăm sóc sản phụ chuyển dạ, vượt cạn thành công và mang lại những thông tin liên quan đến vấn đề sức khỏe sinh sản, phụ khoa, chăm sóc trẻ sơ sinh.
Việc các bà mẹ được chăm sóc tốt trong cả quá trình mang thai, sinh con và chăm sóc sau sinh, có thể giúp phòng chống tới 90% tỉ lệ chết bà mẹ. Trong những năm qua, các chỉ số về sức khỏe bà mẹ – trẻ em của Việt Nam được đánh giá là khá tốt so với nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập quốc dân trên đầu người. Các tỷ lệ chết mẹ và tỷ lệ chết trẻ em đều đã giảm nhanh và giảm đáng kể. Tuy nhiên, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tỉ lệ tử vong mẹ còn cao gấp 3 – 4 lần so với ở vùng đồng bằng. Chính vì thế vai trò của nữ hộ sinh là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Vì thế Nữ hộ sinh là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống ngành Y tế, là một phần quan trọng của hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản và là những người cống hiến thầm lặng trong những khoảnh khắc thiêng liêng cùng các gia đình chào đón các thiên thần nhỏ./.
Võ Thị Thùy Trang – Trung tâm Y tế TP. Long Xuyên