Đôi dép của Bác “ra đời” vào năm 1947, được “chế tạo” từ một chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị bộ đội ta phục kích tại Việt Bắc. Đôi dép đo cắt không dày lắm, quai trước to bản, quai sau nhỏ rất vừa chân Bác. Trên đường công tác, Bác nói vui với anh em cán bộ đi cùng:
– Đây là đôi hài vạn dặm trong truyện cổ tích ngày xưa. Đôi hài thần đất, đi đến đâu mà chẳng được.
Đôi dép ấy luôn đồng hành cùng Bác mọi lúc mọi nơi, từ lúc đi hành quân đến khi tiếp các bạn khách quốc tế, từ mùa hè oi ả đến mùa đông lạnh buốt thì được kèm thêm đôi tất để giữ ấm chân, xuyên suốt từ mùa khô đến mùa mưa tầm tả, từ đi thăm ruộng cùng bà con đến lúc xoắn quần lội ruộng để gặt lúa tiếp… Mãi thấy Bác không chịu thay dép, các đồng chí Cảnh vệ đôi lần lên tiếng “xin” thay, nhưng Bác vẫn luôn bảo “vẫn còn đi được”.
Hay như trong lần đi thăm nước bạn ở Ấn Độ, biết máy bay sắp hạ cánh, các đồng chí đi cùng bèn tìm cách đổi dép mới cho Bác với cái cớ là dép cũ đã nằm trong khoang hành lý không tiện lấy ngay được. Bác chỉ ôn tồn nói:
– Bác biết các chú cất dép của Bác đi chứ gì. Nước ta còn chưa được độc lập hoàn toàn. Nhân dân ta còn khó khăn. Bác đi đôi dép cao su nhưng bên trong lại có đôi tất mới thế là đủ lắm mà vẫn lịch sự…
Bị Bác bắt bài, các đồng chí tẽn tò phải mang trả lại Bác đôi dép ấy để Bác nhanh chóng xuống chào các bạn quốc tế đang đợi dưới sân.
Năm 1960, Bác đến thăm một đơn vị Hải quân nhân dân Việt Nam. Vẫn đôi dép “thâm niên ấy”, Bác đi thăm nơi ăn, chốn ở, trại chăn nuôi của đơn vị. Cán bộ và chiến sĩ rồng rắn kéo theo, ai cũng muốn chen chân, vượt lên để được gần Bác, Bác vui cười nắm tay chiến sĩ này, vỗ vai chiến sĩ khác. Bỗng Bác đứng lại:
– Thôi, các cháu dẫm làm tụt quai dép của Bác rồi…
Nghe Bác nói, mọi người đồng loạt dừng lại cúi xuống yên lặng nhìn đôi dép rồi lại ồn ào lên:
– Thưa Bác, cháu, để cháu sửa…
– Thưa Bác, cháu, cháu có “rút dép” đây…
Nhao nhác, ầm ĩ như thế, nhưng đồng chí cảnh vệ chỉ đứng cười vì biết đôi dép của Bác đã phải đóng đinh rồi; có “rút” cũng vô ích…
Bác cười nói:
– Cũng phải để Bác đến chỗ gốc cây kia, có chỗ dựa mà đứng cả chứ!
Bác “lẹp xẹp” lết đôi dép đến gốc cây, một tay vịn vào cây, một chân co lên tháo quai dép ra, “thách thức”:
– Đây, cháu nào giỏi thì chữa hộ dép cho Bác…
Một anh nhanh tay giành lấy chiếc dép, giơ lên nhưng ngớ ra, lúng túng. Anh bên cạnh liếc thấy, “vượt vây” chạy biến….
Bác phải giục:
– Ơ kìa, ngắm mãi thế, nhanh lên cho Bác còn đi chứ. Anh chiến sĩ lúc nãy chạy đi đã trở lại với chiếc búa con, mấy cái đinh:
– Tôi, để tôi sửa dép…
Mọi người giãn ra. Phút chốc, chiếc dép đã được chữa xong.
Những chiến sĩ không được may mắn chữa dép phàn nàn:
– Tại dép của Bác cũ quá. Thưa Bác, Bác thay dép đi ạ!…
Bác nhìn các chiến sĩ nói:
– Các cháu nói đúng… nhưng chỉ có đúng một phần….Đôi dép của Bác cũ nhưng nó chỉ mới tụt quai. Cháu đã chữa lại chắc chắn cho Bác thế này thì còn “thọ” lắm! Mua đôi khác chẳng đáng là bao, nhưng khi chưa cần thiết cũng chưa nên…Ta phải tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo…
Đôi dép cá nhân đã vậy, còn đôi dép “ô tô” của Bác cũng thế. Chiếc “Pa-bê-đa” sản xuất tại Liên Xô Bác vẫn đi, đã cũ, văn phòng xin “đổi” xe khác, “đời mới” hơn, tốt hơn, nhưng Bác không chịu:
– Xe của Bác hỏng rồi à?
Anh em thưa rằng chưa hỏng, nhưng muốn thay xe để Bác đi nhanh hơn, êm hơn. Bác nói:
Ai thích nhanh, thích êm thì đổi….
Hôm sau đến giờ đi làm, không biết là xe hỏng thật hay “ai” xui mà Bác đứng đợi bên xe mà xe cứ “ì” ra. Bác cười bảo đồng chí lái xe:
Máy móc có trục trặc, chú cứ bình tĩnh sửa. Sửa xong Bác cháu ta đi cũng kịp…
Vài phút sau, xe nổ máy…
Bác lại cười nói với đồng chí lái xe, cảnh vệ:
– Thế là xe vẫn còn tốt!
àThông qua câu chuyện tôi vừa kể, chúng ta không khỏi xúc động vì đức độ và nhân cách của Người – vị lãnh tụ gần gũi với Nhân dân. Đặc biệt, mẫu chuyện đã dạy cho ta bài học quý: Đó là nếp sống giản dị, tiết kiệm, hòa đồng với mọi người, khiêm tốn, không quan liêu, không xa hoa lãng phí hay đòi hỏi hưởng thụ; Đó là đức tính hy sinh, không phô trương hình thức, giành những khó khăn, thiệt thòi về bản thân để lo cho dân, cho nước.
Mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay có thể không đạt được những điều phi thường như Bác, nhưng chí ít, nếu biết rèn luyện, chúng ta có thể dần dần điều chỉnh và hoàn thiện bản thân. Học Bác để mỗi người tự soi rọi sửa chữa những khuyết điểm trong nói, viết và làm, trên các lĩnh vực công tác, học tập và trong đời sống sinh hoạt. Học Bác, để mỗi người xây dựng cho mình nếp sống bình dị, khiêm tốn, sống mình vì mọi người, mọi người vì mình và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, làm tốt mọi công việc của người công dân đối với gia đình, cộng đồng, xã hội.
Học tập và làm theo tấm gương của Bác, theo tôi, không có nghĩa là chúng ta học một cách chung chung. Học tập phải gắn với làm theo tấm gương của Bác. Vì vậy, mỗi người, mỗi đơn vị hãy học tập và tự gắn với thực tiễn bản thân, đơn vị mình, trong lối sống, quan hệ, công tác và trong thực hiện nhiệm vụ cụ thể; từ gia đình rồi mới ra ngoài xã hội; mỗi ngày, mỗi người cố gắng làm một việc tốt cho mọi người, cho gia đình và cơ quan.
Ví như chính bản thân tôi, tôi cũng đang học tập và rèn luyện từ những điều nhỏ nhất và gần gũi trong cuộc sống như: Tiết kiệm nước, điện, sức lao động, thời gian, tiền bạc, không xa xỉ, hoang phí, phô trương hình thức ./.
Nguyễn Thị Vững Vàng- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang