Lịch sử cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, gắn liền với tên tuổi Hồ Chí Minh và Tôn Đức Thắng, hai vị Chủ tịch nước kính mến, hình ảnh tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc, biểu tượng trong sáng, cao đẹp của tình đồng chí gắn bó, thủy chung.
Tình cảm giữa Bác Hồ và Bác Tôn đã hình thành từ lâu, khi hai bác còn chưa gặp nhau. Cách mạng Tháng Tám thành công, từ nhà tù Côn Đảo, Bác Tôn trở về đất liền, tham gia lãnh đạo Cách mạng. Tháng 3/1946, Bác Tôn được Trung ương Đảng điều động ra Bắc và lần đầu tiên được gặp Bác Hồ – lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mà Bác Tôn hằng ngưỡng mộ từ năm 1919 trên đất Pháp và những năm tháng bị tù đày ở Côn Đảo. Còn Bác Hồ, nghe danh người công nhân Tôn Đức Thắng đã tổ chức Công hội bí mật từ năm 1920. Đến năm 1926, tại Trung Quốc, khi cử hai đồng chí Nguyễn Văn Lợi và Trần Trọng Bình về Sài Gòn gây dựng cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Người căn dặn: Đến Sài Gòn, phải tìm cách liên lạc được với anh Tôn Đức Thắng!
Và câu chuyện theo lời kể của đồng chí Đặng Hòa sau đây là một trong rất nhiều câu chuyện nói về tình cảm gắn bó giữa Bác Hồ và Bác Tôn. Chuyện được đăng tải trên website của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang tại địa chỉ: www.tuyengiaoangiang.vn . Câu chuyện được kể như sau:
Trong những năm Bác Hồ khỏe mạnh, mỗi tháng một lần vào chiều thứ bảy, Bác Hồ mời Bác Tôn và Bác gái đến ăn cơm chung.
Đúng 5 giờ chiều, Bác Hồ ra gốc cây chỗ cửa nhà con, sát bờ ao đón bạn. Đây là căn nhà người coi ngựa của Toàn quyền Đông Dương ngày xưa. Dạo kháng chiến chống Pháp thắng lợi, mới về thủ đô, Bác Hồ vẫn ở căn nhà này. Nhà một tầng có hai phòng nhỏ, một phòng đủ kê một giường nhỏ để ngủ và một phòng đủ kê bàn làm việc. Bác Hồ ở đây cả những ngày chống máy bay giặc Mỹ, trong phòng có hồ cá nhân để trú ẩn. Những gốc cây trước nhà, Bác ghép phong lan. Phong lan nở từng chùm hoa tỏa hương ngây ngất.
Bác Tôn xuống xe từ ngoài gốc cây xoan tây, chỗ rẽ. Bác Hồ chắp tay chào trước:
– Chào Cụ!
Bác Tôn chắp tay đáp lễ:
– Chào Cụ!
Thấy Bác Tôn chỉ đi có một mình, Bác Hồ liền hỏi:
– Bác gái đâu mà không đến?
Bác Tôn cảm động nói:
– Xin lỗi Bác, nhà tôi không được khỏe.
Bác Hồ kém Bác Tôn hai tuổi. Hai Bác đi ven bờ ao, dưới hàng cây bụt mọc, qua vòm cổng tết bằng cây dâm bụt, bước vào nhà sàn.
Những năm sau này, khi Bác Hồ đã yếu, mỗi lần ra trước đồng bào, Bác Hồ thường dặn Bác Tôn:
– Để tôi nắm tay Cụ đi cho đồng bào khỏi thấy.
Năm Bác Tôn gái đau yếu, bị xuất huyết não nhiều lần, Bác Hồ đến thăm. Tự tay Bác Hồ cầm đến một trách cá trê kho tiêu, món ăn quê hương mà Bác gái rất thích.
– Chị, chị ăn đi cho khỏe, ngon lắm. Chính tay tôi kho cho chị đấy.
Ngày Bác Hồ mất, Bác Tôn đã khóc, giọt nước mắt của một chiến sĩ cách mạng trải qua bao thăng trầm đã ngoài 80 tuổi tiếc thương người đồng chí, người bạn chứa đựng biết bao tình sâu nghĩa nặng.
Kính thưa đồng chí !
Từ lời kể trên của đồng chí Đặng Hòa, chúng ta đúc kết và học tập được rất nhiều điều quý giá qua cuộc đời và sự nghiệp của 2 vị Chủ tịch nước. Trong cuộc sống hôm nay, hình ảnh Bác Hồ và Bác Tôn là tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng, lối sống giản dị, trong sáng… để mỗi thế hệ người dân Việt Nam học tập và noi theo.
Bác Tôn của chúng ta không viết sách, không để lại quyển sách nào. Nhưng Bác để lại cho chúng ta một tác phẩm lớn, đó là cuộc đời của Bác. Cuộc đời gần trăm năm, với hơn sáu mươi năm phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, một quá trình đấu tranh liên tục không mệt mỏi, để lại trong lòng cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế những đức tính tốt đẹp và tình cảm hết sức sâu đậm; để lại di sản “chất NGƯỜI Tôn Đức Thắng” mà chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau cần học tập, noi theo, đó là:
Chất NGƯỜI sớm có lòng yêu nước, thương dân và tinh thần đấu tranh cách mạng, suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
Chất NGƯỜI phấn đấu vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, luôn yêu thương, kính trọng nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ.
Chất NGƯỜI gương mẫu đạo đức cách mạng: Nhân ái, thủy chung, khoan dung, nhân hậu; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, khiêm tốn, giản dị.
Chất NGƯỜI có tình cảm quốc tế trong sáng, cao cả.
Thưa toàn thể các đồng chí !
Học Bác Tôn, học “chất NGƯỜI Tôn Đức Thắng”, thế hệ hôm nay và cả mai sau cần xác định mục tiêu lý tưởng cho cuộc đời và sự nghiệp của mình, lựa chọn một cuộc sống có ý nghĩa. Nâng cao tinh thần yêu nước, phấn đấu hết lòng, hết sức vì nước, vì dân, có trách nhiệm trong công việc, luôn đi đầu, làm trước, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất, trong những tình huống hiểm nghèo nhất. Có quan niệm đúng đắn về ngành nghề trên tinh thần giai cấp công nhân: Con người yêu nước, lao động sáng tạo, phục vụ nhân dân. Bước vào đời với ý chí, nghị lực, lòng dũng cảm và sự cần cù. Lập nghiệp, chọn nghề phải phù hợp với nhân cách, phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của xã hội, để đạt tới đỉnh cao trí tuệ và đóng góp nhiều nhất cho đất nước.
Tin tưởng với những kết quả đạt dược cùng những giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả, cán bộ, nhân dân An Giang quyết tâm xây dựng văn hóa và con người An Giang theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, góp phần làm cho văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu và động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh, như kỳ vọng mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề tặng An Giang nhân dịp về thăm An Giang năm 2018:
“An Giang đã nói là làm
Đã đi là đến, đã bàn là thông
Đã quyết là dốc một lòng
Quê hương vẫy gọi, Đảng mong dân chờ!”
Lương Minh Tuấn – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang