An Giang có những di tích lịch sử lâu đời mang dấu ấn của một nền văn hoá đặc trưng riêng biệt, vừa có đồng bằng, rừng núi, tài nguyên khoáng sản, lúa nước cổ xưa. Còn là nơi có nhiều cảnh thiên nhiên tươi đẹp, sông nước mênh mông, ruộng đồng bát ngát, núi non kỳ vĩ, rừng tràm xanh ngắt, trù phú về nông nghiệp và thuỷ sản,…An Giang là tỉnh đa dân tộc, tôn giáo, nơi khởi nguồn của Phật giáo Hoà Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer sống hoà thuận, từ đó hình thành các giá trị văn hoá phong phú, với nhiều lễ hội dân gian, các làng nghề truyền thống, các công trình kiến trúc độc đáo. Toàn tỉnh có 88 di tích được xếp hạng, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt (khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Khu Di tích khảo sát cổ Óc eo), 28 di tích cấp quốc gia, 58 di tích cấp tỉnh; còn có bề dầy lịch sử yêu nước, hoạt động cách mạng là vùng đất địa linh nhân kiệt, là mảnh đất trù phú, tươi đẹp luôn là điểm đến thu hút nhiều du khách. Nơi đây mỗi địa danh lại gắn liền với một huyền thoại, trong đó phải kể đến cù lao Ông Hổ thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh an Giang. Cù lao nằm trên dòng sông hậu, giữa 2 bờ thành phố Long
Xuyên và huyện Chợ Mới. Cù lao có 3 mùa lúa xanh tươi tốt, cây trái trĩu cành, không gian thoáng đãng, yên lành, hiền hòa và chính nơi đây sinh ra người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo kiệt xuất, người con ưu tú của quê hương “Chủ tịch Tôn Đức Thắng”.
Lịch sử sự nghiệp cách mạng vẻ vang nước ta trong thế kỷ XX có sự kiện đặc biệt gắn liền với tên tuổi của Hồ Chí Minh và Tôn Đức Thắng, hai vị Chủ tịch nước kính mến, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc. Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng vô cùng to lớn, vĩ đại. Người dân Việt Nam từ trẻ đến già luôn yêu mến và dành cho hai vị Chủ tịch nước tên gọi rất đặc biệt, đó là “Bác Hồ”, “Bác Tôn” cách gọi vừa thiêng liên, tôn kính, lại vừa gần gũi thân thương. Cuộc đời Bác Hồ, Bác Tôn đều có điểm chung là tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, hiến dâng cả cuộc đời mình cho Tổ quốc, suốt đời mưu cầu cho độc lập, tự do và hạnh phúc của Nhân dân, là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng để các thế hệ học tập và noi theo.
1. Học tập Bác Hồ qua những mẩu chuyện ngắn:
a) Giản dị và tiết kiệm:
Bà Nguyễn Thị Liên, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, kể lại rằng: Khi làm việc ở văn phòng Bác, đôi khi bà còn đảm nhận việc khâu, vá quần áo, chăn, màn, áo gối cho Bác. Chiếc áo gối màu xanh hoà bình của Bác, được ông Cần (người phục vụ Bác) đưa bà vá đi vá lại nhiều lần¸ bà cầm chiếc áo bà rưng rưng nước mắt, bà nói với ông Cần thay áo gối khác cho Bác dùng nhưng Bác chưa đồng ý. Người vẫn dùng chiếc áo gối vá đó.
Những năm tháng giúp việc ở văn phòng Bác bà đã có những kỷ niệm không bao giờ quên. Bà còn kể rằng: Ở Việt Bắc, có một buổi Bác đi công tác về muộn, Bác nghỉ lại văn phòng một lát vì mệt. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, bảo vệ của Bác nói với bà: Bác mệt không ăn được cơm, Cô nấu cho Bác bát cháo. Bác đang nằm nghỉ nghe thế liền bảo bà: Cô nấu cháo cho Bác bằng cơm nguội ấy, vừa nhanh chín, vừa tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa.
Câu chuyện bà kể khiến chúng tôi xúc động và thương Bác quá chừng. Bác thật giản dị và tiết kiệm, chắt chiu như người cha lo cho một gia đình lớn, như cảnh nhà đông con mà còn túng thiếu. Chiếc áo gối vá, bát cháo nấu bằng cơm nguội của vị Chủ tịch nước có tác động lớn đến suy nghĩ của mỗi con người nhất là hiện nay, Đảng và Nhà nước ta thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”.
Câu chuyện nhỏ trên thấy rằng chúng ta cần noi gương ở Bác đức tính giản dị và tiết kiệm. Tiết kiệm có thể giúp những người còn khó khăn hơn chúng ta, giúp cho những người thật sự cần giúp đỡ, như thế ta sẽ vui mà người nhận cũng sẽ cùng vui.
b) Nước nóng, nước nguội:
Buổi đầu kháng chiến chống Pháp, có một đồng chí cán bộ Trung đoàn thường hay quát mắng chiến sĩ. Nhận được tin phản ánh về đồng chí này, một hôm, Bác cho gọi lên Việt Bắc. Bác dặn trạm đón tiếp, dù đồng chí này có đến sớm, đợi đến giữa trưa mới cho đồng chí ấy vào gặp Bác.
Trời mùa hè, nắng chang chang, đi bộ đúng ngọ nên đồng chí Trung đoàn vã cả mồ hôi, người như bốc lửa. Đến nơi, Bác đã chờ sẵn. Trên bàn đặt hai cốc nước, một cốc nước sôi có ý chừng vừa như mới rót, bốc hơi nghi ngút, còn cốc kia là nước lạnh.
Sau khi chào hỏi xong, Bác chỉ vào cốc nước nóng nói:
– Chú uống đi.
Đồng chí cán bộ kêu lên:
– Trời! Nắng thế này mà Bác lại cho nước nóng làm sao cháu uống được.
Bác mỉm cười:
– À ra thế. Thế chú thích uống nước nguội, mát không?
– Dạ có ạ.
Bác nghiêm nét mặt nói:
– Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hòa nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn. Hiểu ý Bác giáo dục, đồng chí cán bộ nhận lỗi, hứa sẽ sửa chữa.
Qua câu chuyện này chúng ta thấy được sự quan tâm của Bác đến cách quản lý con người, một bài học về tâm lý và cách ứng xử sâu sắc, khôn khéo cho tất cả chúng ta. Khi giận dữ rất dễ mất kiểm soát bản thân mình, khi giận lên chúng ta có thể làm nhiều việc mà không suy nghĩ đến hậu quả của nó, hoặc đưa ra một số quyết định không mấy sáng suốt, nói ra những điều không nên… chỉ để thỏa mãn cơn giận. Tồi tệ hơn, vì cơn giận chúng ta có thể vô tình làm tổn thương đến những người xung quanh. Lưu lại trong ký ức của họ một hình ảnh không tốt đẹp. Vì vậy, trong mọi trường hợp hãy thật bình tĩnh, xử lý khéo léo tình huống để có được kết quả tốt nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – một con người sinh ra từ chân lí – người Việt Nam đẹp nhất. Người đã đi xa “Phòng lặng rèm buông tắt ánh đèn” nhưng cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Người đã trở thành bất tử. Người là kết tinh và toả sáng những gì ưu tú nhất, tốt đẹp nhất của trí tuệ và đạo đức Việt Nam. Phẩm chất và đạo đức của Người mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho dân tộc Việt Nam noi theo. Trong từng vần thơ câu ca cũng từng viết: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Ngày nay, Bác đã đi xa nhưng những gì là giá trị đạo đức, là truyền thống quý báu của Bác vẫn mãi là tấm gương sáng ngời cho nhân dân và nhân loại soi sáng. Với những mẩu chuyện ngắn sau đây sẽ giúp bạn đọc cảm nhận hơn về vị cha già kính yêu của dân tộc. Từ đó, biết trân trọng hơn từng phút giây được sống và được làm theo lời Bác.
2. Học tập Bác Tôn qua những mẩu chuyện ngắn:
a) Chăm lo đời sống nhân dân:
Có lần một đồng chí đến thăm Bác nhìn thấy Bác đang sửa chiếc xe đạp, liền hỏi: “Chiếc xe đạp của cô, cậu nào không sửa mà để Bác phải hì hục sửa thế này?”. Bác nói: “Ô! Xe này của mình đấy, mình sửa chữa để ngày chủ nhật đi thăm bạn bè sống gần đây thôi”. Đồng chí nói: “Trời ơi! sao Bác không đi ô tô cho khỏe mà đi xe đạp chi cho khổ thế!”. Bác nói: “Ô! Chỉ có một ngày chủ nhật thôi thì để cho anh lái xe nghỉ ngơi, anh ta còn giúp đỡ gia đình, mình bắt anh ta đi lái xe cho mình nữa thì rất tội”.
Qua câu chuyện trên cho ta thấy được Bác luôn quan tâm, chăm sóc đến người khác. Không tự cho phép dành đặc quyền cá nhân của mình lên người khác.
b) Bác đã giáo dục tôi nên người:
Chị Tôn Thị Tuyết Dung, là cháu gọi Giáo chủ đạo Cao Đài Phạm Công Tắc bằng ông chú, được Bác Tôn nhận làm con nuôi từ năm 1946, đã kể lại câu chuyện về Bác với lòng mến phục, hàm ân: “Người cộng sản đầu tiên tôi được gặp, được biết là Bác Tôn. Tôi chịu sự giáo dục nhiều nhất, hoàn thiện nhất những phẩm chất tốt đẹp ở Bác. Cứ mỗi ngày một ít, một lần một chút, Bác đã giáo dục tôi thành người cộng sản lúc nào không hay. Không lý luận cao xa, mà bằng những câu chuyện, những việc làm nho nhỏ, những thái độ cử chỉ ôn hòa, những lời nói giản dị trong đời thường của Bác đã giáo dục tôi nên người hữu ích cho xã hội, cho gia đình. Sống trong tình thương yêu đùm bọc của gia đình Bác Tôn, chị Dung khôn lớn và trưởng thành theo cách mạng. Vào thời điểm năm 1946, ranh giới giữa ta và địch chưa phân minh; nguồn gốc lý lịch gia đình còn đè nặng lên sự phấn đấu của bản thân, mà Bác Tôn vẫn nhận chị làm con nuôi cho thấy tình cảm của Bác hết sức bao la, cao cả. Bác bảo: – “Bây giờ con lấy Họ” của ba. Mai kia về Nam con muốn lấy lại “Họ gia đình” cũng được. Vì ba khai vào lý lịch con là con của ba. Bác lại dặn thêm: Vào lúc này con không liên lạc với gia đình trong Nam; nhỡ có sự cố gì xấu, làm ảnh hưởng đến tư tưởng công tác.
Bác nói ít, nhưng chị hiểu nhiều. Thế là suốt ba mươi năm ở miền Bắc, chị đau đáu nhớ gia đình, nhớ quê hương, song không hề tìm hiểu để liên lạc và không biết gì về gia đình mình cả. “Người cộng sản ban đầu mà tôi nhận thức được là người chịu đựng gian khổ, biết hy sinh vì nghĩa lớn. Người cộng sản có lòng thương người bao la như Bác Tôn đáng để kính yêu. Thấy người ta gây gỗ với nhau tôi cũng thắc mắc và than phiền. Bác thường giải đáp: “Vì vậy ta mới phải giác ngộ cho mọi người và phải làm cách mạng để đổi đời và làm cho con người tốt hơn”. Những điều Bác giảng giải giản dị và dễ hiểu được chị Dung nhập tâm và thực hiện suốt cuộc đời mình.
Bác Tôn là người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm, là người kế thừa xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là viên ngọc sáng ngời về đạo đức cách mạng, hiến dâng trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc và Nhân dân. Bác luôn sống khiêm tốn, thanh bạch, gần gũi, giản dị, hào hiệp, lương thiện, mang điều tốt, niềm vui và luôn mong muốn giảm nỗi đau cho đồng bào. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, dù gặp muôn vàn gian nan, thử thách, Bác Tôn vẫn luôn nêu cao tinh thần cách mạng, giữ trọn niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người sống khiêm tốn, giản dị, nhân hậu, thủy chung, mẫu mực về đạo đức cách mạng, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Tấm gương sáng của Bác Tôn là hiện thân tiêu biểu cho tính cách, khí chất, phong thái và nét văn hóa đặc sắc của người Nam Bộ nói chung và An Giang nói riêng. Thương người, luôn hào sảng, trọng nghĩa, bao dung độ lượng, hết lòng vì bạn bè, đồng chí, dũng cảm, mưu trí, vượt mọi khó khăn trở ngại vì nghĩa lớn./.
Lý Ngọc Tuấn – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang