Bệnh dại là bệnh nhiễm trùng cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương do động vật mắc vi rút dại lây sang người. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại (thường là chó, mèo, khỉ…). Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người 100% đều dẫn đến tử vong.
Các triệu chứng thường bắt đầu từ 2-8 tuần sau khi bị động vật cắn. Các triệu chứng bao gồm sốt, nhức đầu, suy nhược, tê liệt, co thắt cơ, nuốt khó, co giật. Tử vong thường xảy ra trong vòng chưa đầy một tuần do liệt hô hấp.
Tuy nhiên bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng những cách như sau:
Tiêm vắc xin cho người ngay sau khi bị chó mèo cắn là biện pháp duy nhất cứu người thoát khỏi bệnh dại.
Những người bị chó mèo cắn phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng và bôi các chất sát khuẩn như cồn, cồn iod, sau đó đến ngay các Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để được tiêm vắc xin phòng dại. Vắc xin Dại tại Việt Nam hiện đang sử dụng là vắc xin tế bào, an toàn và hiệu lực cao, người dân có thể hoàn toàn yên tâm khi tiêm phòng dại.
Cần tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo hàng năm là biện pháp tốt nhất và rẻ tiền nhất để phòng chống bệnh dại. Chủ nuôi phải có trách nhiệm thực hiện điều này để phòng dại cho chó mèo nuôi nhà mình; không để chó mắc dại lây truyền bệnh sang người. Không được thả rông chó, mèo. Chó mèo ra ngoài đường phải được dắt và có rọ mõm để không cắn người khác.
Chính phủ quy định “Phạt tiền từ 600 nghìn đến 800 nghìn đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng”. Bộ luật Hình sự cũng quy định, chủ vật nuôi thả rông chó để cắn chết một người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một đến 5 năm.
Chính phủ cũng nghiêm cấm tất cả các tổ chức, cá nhân, thầy lang sử dụng các biện pháp chưa được y học công nhận để khám, điều trị cho người bị chó mèo cắn. Mọi trường hợp vi phạm về phòng chống bệnh dại sẽ được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tiêm vắc-xin phòng uốn ván, phòng dại và kháng huyết thanh chống dại thế nào ?
Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để tiêm 3 loại: 1. vắc-xin phòng uốn ván, 2. vắc-xin phòng dại 3. và huyết thanh kháng dại (nếu vết thương độ III) ngay sau bị chó cắn.
Lịch tiêm theo lộ trình và loại vắc-xin phòng dại sẽ được các bác sĩ tư vấn phù hợp với phân độ vết thương và phác đồ điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.
Tiêm vắc-xin phòng dại sau phơi nhiễm sẽ có 2 phác đồ: tiêm bắp và tiêm trong da
Tiêm bắp, phác đồ tiêm phòng dại khi đã xác định có phơi nhiễm (đã bị cắn):
Người chưa tiêm dự phòng trước phơi nhiễm: Tiêm 5 mũi (0.5ml/liều) vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28.
Trong trường hợp phơi nhiễm độ III, cần phối hợp tiêm huyết thanh kháng dại kết hợp.
Người đã tiêm dự phòng trong 5 năm gần đây: Tiêm 2 mũi vào ngày 0 và 3.
Người đã tiêm dự phòng không đều hay quá 5 năm: Tiêm 5 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28 và có thể tiêm thêm huyết thanh kháng dại.
Tiêm trong da, phác đồ tiêm phòng dại, liều 0.1ml x 2:
Người chưa tiêm dự phòng trước phơi nhiễm: Tiêm 4 mũi: tiêm ở vị trí hai bên chi khác nhau, mỗi bên liều lượng 0.1 ml, vào các ngày 0, 3, 7 và 28.
Người đã tiêm dự phòng: Tiêm 0.1ml vào các ngày 0 và 3.
Vì sức khỏe của trẻ em và cộng đồng mọi người cần chung tay đề phòng bệnh dại bằng cách giải pháp nói trên ./.
Bs Lê Minh Uy – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang