Bệnh Tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng thường tăng cao từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Tại An Giang, từ đầu năm 2024 đến nay (30/08/2024) ghi nhận 1.193 ca mắc tay chân miệng tại 11 huyện, thị, thành trong tỉnh, giảm 52% so với năm 2023 (1.193/2.488), không có tử vong. Đến mùa mùa tựu trường, các em học sinh trở lại lớp học, là điều kiện thuận lợi để bệnh lây lan do tiếp xúc gần, nhất là nhó trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Các chuyên gia y tế khuyến cáo cần chủ động phòng tránh bệnh tay chân miệng để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Bệnh Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi-rút gây ra, có biểu hiện đặc trưng là sốt và mụn nước thường thấy xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng. Phần lớn ảnh hưởng đến đối tượng trẻ em dưới 10 tuổi và thường gặp nhất là ở lứa tuổi dưới 5 tuổi.
Nguyên nhân chính gây ra bệnh Tay chân miệng là do virus thuộc họ virus đường ruột, điển hình là hai nhóm tác nhân Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Đây được coi là virus có sức sống mãnh liệt và dai dẳng, sống được trong khoảng nhiệt rất rộng (từ rất lạnh đến rất nóng). Virus có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 560 độ C sau 30 phút. Với điều kiện nhiệt độ lạnh – 40 độ C, virus sẽ sống được đến 3 tuần ở môi trường bên ngoài. Trong đó, những môi trường sinh hoạt chung thường là nơi tập trung của virus như đồ dùng ăn uống, mặt bàn, đồ chơi chung, ghế,….
Bệnh Tay chân miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hoá, từ người này sang người khác qua các yếu tố sinh hoạt tập thể như ở trường học khiến nguy cơ lây bệnh tăng cao như ăn chung, uống chung, chơi chung đồ chơi… đặc biệt là trong các đợt bùng phát bệnh.
Dấu hiệu điển hình của bệnh Tay chân miệng bao gồm: sốt từ 1 – 3 ngày hay 5 – 7 ngày tùy từng diễn biến của bệnh, kèm theo trẻ nổi nốt loét trong miệng khiến trẻ đau, quấy khóc, kém ăn và nổi hồng ban bóng nước ở những vị trí đặc trưng khác như lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, đùi, bẹn.
Trong trường hợp nặng, trẻ quấy khóc, sốt cao liên tục, li bì, vật vã, hôn mê, da xanh tái hay khó thở, thở nhanh, run tay chân, nôn nhiều, nôn khan, yếu chân tay, khó nuốt, đi loạng choạng, không ăn uống được. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng về não bộ: Dẫn đến một trong những bệnh viêm màng não, viêm não, viêm não tủy. Đồng thời kèm theo những biểu hiện như hay giật mình, đi không vững, mắt nhìn ngược, nhãn cầu bị rung hoặc giật,…
Biến chứng về hệ hô hấp, tim mạch: Bệnh viêm cơ tim, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch có thể dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện, xử lý nhanh chóng.
Để phòng bệnh Tay chân miệng, mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh tay chân miệng nếu không thực sự cần thiết;
- Trẻ bị mắc bệnh cần được cách ly tại nhà để tránh lây lan. Tuyệt đối không đi học;
- Vệ sinh nơi ở của người bệnh bằng cách lau phòng, khử khuẩn toàn bộ giường bệnh, phòng bệnh bằng Cloramin B 2%;
- Xử lý những chất thải, quần áo, khăn trải giường của người bệnh và những dụng cụ chăm sóc được sử dụng lại theo quy trình của phòng bệnh lây qua đường tiêu hóa;
- Người nhà và nhân viên y tế cần rửa tay kháng khuẩn sau khi thay quần áo, tã hoặc tiếp xúc với phân, nước bọt,… của người bệnh.
- Không cho trẻ lành tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
RỬA TAY THƯỜNG XUYÊN LÀ CÁCH PHÒNG BỆNH TAY-CHÂN-MIỆNG HIỆU QUẢ NHẤT
Bs. Nguyễn Phương Nam – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang