Bệnh tim mạch hiện nay không chỉ làm tổn hại trầm trọng sức khỏe mà còn đe dọa đến tính mạng con người. Để thu hút sự quan tâm của công chúng đối với sức khỏe tim mạch và khuyến khích mọi người thực hiện các hoạt động bảo vệ tim mạch, Liên đoàn Tim mạch Thế giới đã lập nên “Ngày Tim mạch Thế giới” lần đầu tiên vào ngày 24 tháng 9 năm 2000. Từ đó trở đi, ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 9 hàng năm được chọn là “Ngày Tim mạch Thế giới”. Trân trọng sức khỏe tim mạch của bản thân và gia đình, góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ trái tim đến cả cộng đồng là những mục tiêu mà ngày kỷ niệm này hướng đến.
Bệnh tim mạch là căn bệnh “tàn nhẫn”, có những biến cố đột ngột do bệnh gây ra khiến người nhà không kịp nói lời từ biệt. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra rằng bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, gây ra khoảng 17,9 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm, chiếm 32% tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Ngày nay, bệnh tim mạch là một căn bệnh phổ biến ở Việt Nam, nó ảnh hưởng nặng nề đến chi phí y tế và chất lượng cuộc sống của người dân. Các cơn cấp tính của bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ là những trường hợp cấp cứu đe dọa tính mạng. Điều trị y tế sớm có thể làm giảm tỷ lệ tử vong và giảm mức độ tàn tật sau khi khỏi bệnh.
Mặt khác, số liệu thống kê bệnh nhân mắc bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa là một hiện tượng đáng lo ngại. Lối sống không lành mạnh, chẳng hạn như chế độ ăn nhiều muối, ít tập thể dục và tiêu thụ quá nhiều thực phẩm nhiều đường và chất béo,.. đã trở thành những vấn đề sức khỏe lớn đối với thế hệ trẻ. Những thói quen xấu này dẫn đến sự gia tăng các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, béo phì, mỡ máu cao, từ đó làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tim. Ngoài ra, căng thẳng trong công việc, căng thẳng trong cuộc sống khiến cho những người trẻ tuổi phải đối mặt với áp lực nghề nghiệp và xã hội ngày càng tăng, điều này có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo lắng và trầm cảm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
Triệu chứng phổ biến nhất các vần đề của tim mạch có thể kể đến: đau ngực, khó thở, tim đập nhanh, mệt mỏi, chóng mặt, đổ mồ hôi lạnh, ngất xỉu…Các triệu chứng thường xuất hiện khi hoạt động thể chất hoặc khi hưng phấn về mặt cảm xúc và có thể trầm trọng hơn vào ban đêm. Tuy vậy, phụ nữ đôi khi có thể gặp các triệu chứng khác với nam giới, chẳng hạn như đau lưng, khó chịu ở bụng hoặc cảm giác nôn mửa. Khi có các dấu hiệu trên, người bệnh nên được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch thực tế có thể can thiệp sớm và mang lại hiệu quả cao, có thể kể đến một số biện pháp phòng ngừa bệnh tim mạch như sau:
1. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Chọn thực phẩm ít chất béo, ít cholesterol và giàu chất xơ. Ví dụ: trái cây tươi, rau, ngũ cốc nguyên hạt, cá…, đồng thời cần giảm tiêu thụ muối trong khẩu phần ăn (dưới 5gr muối/ngày), hạn chế mỡ động vật, chất béo, muối và đường.
2. Tập thể dục thường xuyên: Ít nhất 30 phút mỗi ngày, tích lũy 150 phút tập thể dục vừa phải mỗi tuần. Các hoạt động thể chất như đi bộ nhanh, đi bộ chậm, đi xe đạp, đi cầu thang bộ… có thể giúp điều hòa nhịp tim, cải thiện lưu thông máu.
3. Quản lý tốt cảm xúc: Căng thẳng và lo lắng mãn tính có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch. Chúng ta phải học cách đối phó với căng thẳng và duy trì thái độ tích cực với cuộc sống. Tránh lo âu, căng thẳng kéo dài
4. Bỏ hút thuốc và hạn chế sử dụng rượu bia: Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, tai biến mạch não. Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng gánh nặng cho tim gây tăng huyết áp, tăng nguy cơ biến chứng não (nhất là xuất huyết não).
5. Khám sức khỏe định kỳ: thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm tra số đo huyết áp, chỉ số đường huyết và lipid máu để có thể kiểm soát kịp thời các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch, có thể xác định và điều trị sớm các vấn đề tiềm ẩn./.
Hiền Thục – Trung tâm Y tế TX Tân Châu