Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 44 người tử vong do bệnh dại trên chó, mèo tại 23 tỉnh Thành Phố, trong đó, nhiều nhất là tại Bình Thuận với 7 người, tiếp đến Đắk Lắk 5 người, Bến Tre, Long An, Tây Ninh, Nghệ An mỗi địa phương ghi nhận 3 người.
Riêng trên địa bàn huyện Châu Phú đã xảy ra 02 trường hợp mắc bệnh dại động vật tại xã Ô Long Vĩ và xã Bình Phú. Các trường hợp trên đã được các ngành chuyên môn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết chuyển mùa là yếu tố nguy cơ bệnh dại có thể bùng phát trở lại trên địa bàn huyện.
Để chủ động phòng ngừa, hạn chế tử vong do bệnh dại trên người. Trung tâm Y tế Châu Phú phát động định kỳ hàng tháng ra quân truyền thông phát loa phòng bệnh dại trên người tại khu dân cư, chợ, trên các trục đường của 13 xã, thị trấn.
Cao điểm nhất là đợt phát động truyền thông cộng đồng chung tay phòng bệnh dại vào tháng 03/2024 tại các xã, thị trấn, qua đó Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế xã, thị trấn đã thông tin về tình hình, tính chất nguy hiểm của bệnh dại trên người và hướng dẫn người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh dại như sau:
1. Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.
2. Khi bị chó, mèo cắn cần
– Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút, nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod, hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
– Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.
3. Truyền thông, hướng dẫn cho cha, mẹ hoặc người thân cách xử lý vết thương khi trẻ em bị chó, mèo cắn,…
Hà Duy Lộc – Trung tâm Y tế huyện Châu Phú