Bác sĩ Đoàn trưởng dân tộc Tày, nguyên Hiệu trưởng Phân hiệu Đại Học Y khoa miền núi kể:
“Đó là một buổi sáng chủ nhật, đầu tháng 3 năm 1960. Hôm ấy, tôi làm nhiệm vụ bác sĩ thường trực toàn viện. Vào khoảng 8 giờ, một đoàn ô tô đến trước bệnh viện khu tự trị Việt Bắc. Xe đỗ lại, Bác bước xuống, nhanh nhẹ bước qua cổng bệnh viện. Nhân dân và cán bộ ùa đến vây quanh Bác. Đồng chí Phạm Văn Chương, Viện phó và tôi bị đám đông chen lấn, không tài nào đến gần Bác được, mà chỉ nghe tiếng Bác hỏi:
– Ai phụ trách bệnh viện?
– Thưa Bác, cháu ạ!
Đồng chí Chương trả lời, rồi mới lách qua đám đông để đến chổ Bác đứng. Tôi đi theo đồng chi Chương. Bác bắt tay một số cán bộ bệnh viện. Tôi sung sướng được nắm chặt tay ấm áp của Bác. Bác vẫn giản di trong bộ quần áo kaki, hồng hào khoẻ mạnh.
Chúng tôi mời Bác đi thăm bênh viện, Bác hỏi ngay:
– Bệnh viện có khoa trẻ em không?
– Thưa Bác, có ạ!
– Thế thì đưa Bác đến đấy trước!
Sau khi khoác áo “blu” trắng, Bác bước vào buồng bệnh. Thấy một số cháu gầy gò, xanh xao, Bác chỉ và một cháu hỏi:
– Cháu bị bênh gì mà gầy thế?
Chị Vân, y sĩ khoa nhi trả lời:
-Thưa Bác, cháu bị suy dinh dưỡng ạ!
– Phải chăm lo chữa bệnh cho các cháu chóng béo khoẻ, để cha mẹ các cháu an tâm công tác, sản xuất …..
Bác ân cần dặn dò. Rồi Bác quay lại hỏi tôi:
– Có bếp nấu ăn cho người ốm không chú?
– Thưa Bác, có ạ! Xin mời Bác xuống thăm!
Xuống thăm bếp, Bác tỏ vẻ hài lòng, vì thấy nhà bếp ngăn nắp, sạch sẽ. Quản lý nhà bếp là đồng chi Chương già, bọ đội chuyển ngành, đưa Bác đi xem từ chổ chế biến thức ăn đesn các chạn đựng thức ăn. Nhìn thấy bảng chấm cơm có nhiều kí hiệu. Bác hỏi đồng chí Chương:
– Nấu ăn cho người ốm có nhiều vất vả không?
– Thưa Bác, phải cố gắng ạ!
Bác dặn:
– Người ốm thường khó tính. Phải nấu thức ăn thế nào cho ngon miệng, bệnh nhân mới ăn được. Mà có ăn được, người ốm mới chóng khỏi. Các chú cần gắng làm cho tốt.
Bác đến thăm khoa ngoại, Bác hỏi tôi:
– Hiện bệnh viện có người nào ốm nặng nhất, chú đưa Bác đến thăm.
Tôi nghĩ ngay đến chị Nguyễn Thị G cấp dưỡng ở khu gang thép Thái Nguyên. Một buổi sớm, đang nấu ăn sáng cho anh em công nhân, không may, chị ngã vào vạc nước sôi, bị bỏng toàn thân tới tám mươi phần trăm, chỉ trừ cổ và đầu. Chị được đưa ngay đến khoa ngoại bệnh viện khu để cấp cứu trong cơn choáng nặng. Chúng tôi đã làm hết sức mình trong những ngày đầu để cứu chi thoát khỏi giờ phút nguy kịch. Hôm nay chị đã tỉnh táo, nhưng nhiều vết bỏng còn nặng. Chúng tôi để chị nằm trong buồng riêng, trên một chiếc cáng vải thưa.
Khi đưa Bác đến bên giường chị G, tôi sơ bộ báo cáo trường hợp bị bỏng và bệnh trạng để Bác biết. Lúc đó, chị G người quấn đầy băng từ cổ đến chân, nằm trên cáng, chăm chú nhìn Bác. Tôi nói với chị:
– Hôm nay, Bác Hồ đến thăm bệnh viện, chị bị bỏng nặng, Bác đến thăm chị đấy!
Chị G rất xúc động, đôi mắt nhoè lệ vì sung sướng, mấp máp đôi môi:
– Chào Bác ạ!
Bác rất thương, cúi nhìn người bệnh và hỏi, giọng đầy đau xót:
– Hiện giờ, cháu có đau đớn lắm không?
Bác tỏ ra lo lắng cho bệnh tình của chị. Khi trở về, Bác hỏi tôi:
– Bị bỏng như thế nặng đấy, liệu có chữa khỏi được không?
Chúng tôi hứa với Bác sẽ tận tình chữa cho chi G khỏi bỏng. Bác dặn đi dặn lại:
– Các chú phải chăm sóc chu đáo….
– Chúng cháu xin hết sức ạ!
Ra đến cửa, tôi giớii thiệu với Bác: Cô Xuân, hộ lý, chuyên trông nom chị G. Bác ân cần dặn:
– Cháu nhớ làm tốt công việc của cháu, lương y kiêm từ mẫu, cháu nhớ nhé!
Hôm sau, khi giao ban buổi sáng ở khoa ngoại, tôi thuật lại lời dặn của Bác cho chị em trong khoa nghe. Toàn thể anh, chị em đều hứa gắng chữa cho chị G khỏi bệnh. Một thời gian sau, chị G ra viện. Chị trở thành hộ lý của bệnh viện khu Gang thép Thái Nguyên.
Chữa khỏi một người bị bỏng nặng tới tám mươi phần trăm diện tích cơ thể, cơ năng hồi phục hoàn toàn là một thành tự xuất sắc của bệnh viện khu tự trị Việt Bắc. Thường thì tỷ lệ tử vong những trường hợp bỏng rộng như thế rất cao.
Chúng tôi – những thầy thuốc ở bệnh viện này rất tự hào về thành tích đó. Càng vô cùng sung sướng là đã thực hiện được đúng lời hứa với Bác hôm Bác đến thăm bệnh viện: chữa khỏi cho chị G./.
Nguyễn Hữu Lộc – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang
(Trích theo: Tạ Hữu Yên: Nhân đức Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2009, tr.80)