Đầu năm 1950, chuẩn bị mở chiến dịch “Biên giới”; Lệnh tổng động viên của Chính phủ và Bộ tổng Tư lệnh được ban hành: các phái đoàn tuyển quân lần lượt về các trường trung học tuyên truyền, giáo dục và tuyển quân. Tuy chưa xin phép gia đình nhưng Tôn Thị Dung cũng ghi tên tòng quân vào dịp này. Bởi chị nghĩ, Bác Tôn là Trưởng ban thi đua yêu nước thì việc đầu quân của chị là đúng đắn. Mặt khác do không hiểu biết nhiều về chiến sự nên chị cứ đinh ninh rằng chiến tranh sắp kết thúc. Việc trở lại đi học của chị chẳng còn bao lâu nữa!…
Thế rồi gần một năm, chiến dịch “Biên giới” đã thắng lợi rực rỡ. Nhưng chiến tranh thì vẫn còn tiếp diễn. Các chiến dịch khác (Trung du, Hòa Bình…) vẫn tiếp tục mở rộng. Các trường học lại bắt đầu khai giảng, bạn bè chị lục tục kẻ trước, người sau kéo về đi học. Tâm trạng chị lúc này thật xao xuyến, dao động… Chị bèn quyết định xin nghỉ phép để về xin Bác Tôn cho đi học lại. Lòng hâm hở ra về, hy vọng với lòng thương con, thế nào Bác cũng đồng ý. Ở nhà được vài hôm, nhân một buổi tối, thấy không khí gia đình vui vẻ chị liền mạnh dạn đề xuất:
– Ba ơi các bạn của con lần lượt đi về học cả rồi. Tình hình này – chiến tranh còn kéo dài – con sợ còn nhỏ không học, mai kia lớn tuổi học không vào.
Lặng im nghe chị Dung nói, chờ dứt lời, Bác ôn tồn bảo:
– Thế con đi tòng quân là a dua hay con yêu nước? Nếu con yêu nước thì tiếp tục đi. Mai kia, nước nhà được giải phóng, nếu con đi học với động cơ là để làm việc tốt thì dù con có lớn tuổi, tổ chức vẫn cứ bắt con đi học, không đi không được đâu. Còn nếu con a dua theo chúng bạn, thấy bạn đi thì mình đi, thấy bạn về thì con xin về…
Yên lặng một lát, Bác nói tiếp:
– Ba nói như vậy con nghe có phải không? Tùy con quyết định.
Thế rồi Bác vui vẻ nói sang chuyện khác. Còn chị Dung cảm thấy ân hận vì những ý nghĩ nông nổi với việc làm thiếu chín chắn của mình. Hai hôm sau, lòng hâm hở, dứt khoát chị vác ba lô lên đường.
Cách giáo dục đối với con cháu của Bác Tôn là thế đó. Bác không nhiều lời, không yêu cầu một cách áp đặt mà nhẹ nhàng giảng giải, để cho mình tự suy nghĩ, tự quyết định.
Từ mẫu chuyện trên bản thân rút ra bài học, không áp đặt theo chủ ý cá nhân, giải thích tận tình, giúp người nghe có sự lựa chọn đúng đắn./.
Phạm trầm an khương – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang
(Theo “Những mẫu chuyện trong đời thường của Bác Tôn” của Tôn Thị Tuyết Dung)