Trẻ em dễ bị ho do đâu ?
Ho là một triệu chứng thường gặp ở trẻ, đây là một phản xạ của cơ thể. Có nhiều nguyên nhân gây ho ở trẻ, nhưng thường sẽ liên quan với các bệnh đường hô hấp trên, do dị ứng, hen suyễn… Tuy nhiên, đôi khi ho ở trẻ lại là một quá trình nghiêm trọng hơn.
Ho là một phản xạ để tống xuất bất kỳ chất nhầy hoặc dị vật ra ngoài. Người ta ghi nhận thấy có nhiều nguyên nhân gây ho ở trẻ, trong đó thường thấy nguyên nhân do nhiễm khuẩn.
– Do nhiễm khuẩn hô hấp trên
Các nhiễm khuẩn thường thấy như: Viêm xoang, viêm Amidan, viêm họng; Viêm thanh khí phế quản; Viêm khí quản, viêm khí phế quản; Viêm tiểu phế quản; Viêm phế quản cấp; Viêm phổi; Tràn dịch màng phổi; Giãn phế quản, áp xe phổi.
– Do dị ứng
Với cơ địa dị ứng cũng có thể là nguyên nhân gây ho như: Viêm mũi dị ứng; Phản ứng đường hô hấp; Viêm phế quản mạn…
– Do dị vật
Nếu trẻ mắc một số dị vật hoặc hít phải dị vật như khói thuốc lá, bụi, hít sặc thức ăn… cũng sẽ kích thích gây ho.
– Do khối u
Đối với trẻ em ngoài những lý do đơn giản như viêm đường hô hấp, dị ứng… thì nghiêm trọng hơn là ho do các khối u. Trong đó có thể thấy là do Polyp mũi, bướu mạch máu, u nhú, lymphoma, u trung thất… cũng sẽ gây ho ở trẻ.
– Do bất thường bẩm sinh
Nếu trẻ sinh ra có những bất thường bẩm sinh, mắc một số bệnh bao gồm: Mắc chẻ vòm hầu, nhuyễn thanh khí quản, thiểu sản thanh khí quản, lỗ dò thanh quản hoặc khí quản… cũng sẽ khiến trẻ bị ho.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như: Trẻ mắc trào ngược dạ dày thực quản, suy tim sung huyết hoặc do vấn đề về tâm lý cũng có thể là nguyên nhân gây ho ở trẻ.
Chăm sóc khi trẻ bị ho
Khi trẻ bị ho cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị bệnh. Cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, trẻ cần nghỉ ngơi, hạ sốt, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý.
Để hỗ trợ ho có thể cho trẻ lớn dùng thảo dược như quất, lá hẹ hấp mật ong để sát trùng đường hô hấp, làm loãng niêm dịch và làm dịu cơn ho… việc này rất an toàn và hiệu quả.
Cho trẻ uống nhiều nước, massage ngực và bụng cho trẻ để giữ ấm, giúp trẻ dễ chịu. Trẻ tắm nước ấm, tăng cường độ ẩm để giúp trẻ dễ chịu hơn. Cần cho trẻ súc miệng nước muối (với trẻ trên 4 tuổi hoặc trẻ biết nhổ thành thạo)… với trẻ còn nhỏ cha mẹ cần vệ sinh miệng bằng khăn gạc nhúng nước muối ấm.
Ngoài ra, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ là rất quan trọng, vì bị ho nên trẻ thường biếng ăn. Nên cho trẻ ăn món có nhiều nước, dễ tiêu như: Súp, cháo, sữa… đảm bảo bốn nhóm bột, béo, đạm, rau và phù hợp với khẩu vị hàng ngày của trẻ.
Cha mẹ cần tăng cường thực phẩm giàu sinh tố A, giàu chất kẽm và chất sắt như: Các loại thịt bò, gà, trứng, rau có màu xanh, đỏ. Không nên cho trẻ ăn món nhiều mỡ như: chiên, xào… Riêng cá, tôm, cua… đôi khi có cảm giác tanh, dễ gây nôn, do vậy nên đợi sau khi trẻ hết ho hãy cho trẻ ăn trở lại.
Do trẻ ho nên rất dễ bị nôn, vì thế trước khi ăn nên cho trẻ uống vài thìa nước, sau đó cho trẻ nằm sấp rồi vỗ về lưng trẻ, nhằm giúp đờm nhớt không còn đọng ở cổ của trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ đỡ ho và khi ăn sẽ bớt bị nôn ói.
Khi nào trẻ bị ho cần nhập viện ?
Nhiều cha mẹ băn khoăn, khi nào trẻ bị ho cần nhập viện? Cần cho trẻ nhập viện ngay nếu trẻ ho kéo dài hơn 2 tuần hoặc trẻ có thể bị ho dai dẳng do 2 đợt bệnh liền nhau, mặc dù đã được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán.
Ngoài ra, trẻ cần đi khám ngay khi có các biểu hiện như:
- Trẻ có dấu hiệu suy hô hấp bao gồm thở nhanh, co lõm ngực bụng, cánh mũi phập phồng.
- Trẻ thở có tiếng rít hoặc tiếng bất thường khi hít thở, lừ đừ, mệt, tái xanh.
- Hoặc trẻ nôn ói nhiều, có dấu hiệu mất nước (môi khô, khóc không ra nước mắt…); trẻ sốt cao… cũng cần nhập viện ngay.
- Riêng trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc khi bố mẹ cảm thấy lo lắng cũng cần cho trẻ đi khám.
Tóm lại: Việc điều trị ho ở trẻ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ho, nếu bệnh đơn thuần như viêm đường hô hấp, viêm phổi… thì các bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh và điều trị hỗ trợ. Để phòng ho cho trẻ cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ, tránh để bị lạnh, bị ẩm đột ngột kéo dài. Giữ vệ sinh sạch sẽ trong việc ăn, ở, cải tạo môi trường trong lành, tránh ô nhiễm… Nên tránh xa những người bị cảm cúm hay viêm mũi cấp tính.
Nguồn báo Sức khỏe & Đời sống