Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh, đồng thời xuất phát từ trách nhiệm bảo vệ sức khỏe tối thượng của người dân, Sở Y tế tỉnh An Giang thông báo đến toàn thể các cơ sở y tế, kinh doanh dược phẩm và người dân trên địa bàn tỉnh về việc phát hiện các loại thuốc giả mạo và thuốc chưa được cấp phép lưu hành.
Căn cứ theo Công văn số 1135/QLD-CL ngày 19/04/2025 của Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh An Giang đặc biệt lưu ý và yêu cầu các đơn vị, cá nhân tuyệt đối không kinh doanh, tàng trữ và sử dụng các sản phẩm sau đây:
Thuốc giả mạo:
– Viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), SĐK: VD-25305-16, Nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW 3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
– Viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid 250mg), SĐK: VD-28109-17, Nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW 3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
– Viên nén Pharcoter (Codein base 10mg; Terpin hydrat 100mg), Số đăng ký: VD-14429-11, Nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương 1 (Pharbaco), đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
– Sản phẩm giả thuốc Neo-Codion (Ghi chú: Thuốc Neo-Codion được Bộ Y tế cấp phép lưu hành với các thông tin chính thức như sau: Số giấy phép lưu hành: 300111082223 (SĐK cũ: VN-18966-15); Hoạt chất: Codein base (dưới dạng Codein camphosulfonat 25mg) 14,93mg; Sulfogaiacol 100mg; Cao mềm Grindelia 20mg; Dạng bào chế: Viên nén bao đường; Đóng gói: Hộp 2 vỉ x 10 viên; Nhà sản xuất: Công ty Sophartex (Pháp), địa chỉ: 21, rue du Pressoir, Vernouillet, 28500).
– Các sản phẩm không thuộc danh mục thuốc đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành (16 sản phẩm chi tiết tại Phụ lục kèm theo).
Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho cộng đồng, Sở Y tế tỉnh An Giang yêu cầu các đơn vị và cá nhân trên địa bàn tỉnh:
– Các cơ sở kinh doanh và sử dụng thuốc: Tuyệt đối ngừng ngay lập tức việc kinh doanh, buôn bán và sử dụng các sản phẩm thuốc giả mạo và thuốc chưa được cấp phép lưu hành nêu trên.
– Các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh: Rà soát khẩn trương quy trình mua sắm và cung ứng thuốc. Chỉ sử dụng thuốc đã được cấp phép lưu hành và có nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở kinh doanh dược phẩm hợp pháp, kèm theo đầy đủ hóa đơn, chứng từ. Khi phát hiện thuốc có dấu hiệu nghi ngờ hoặc chưa được cấp phép, phải niêm phong và báo cáo ngay cho cơ quan quản lý y tế và các cơ quan chức năng.
– Người dân: Tuyệt đối không mua bán và sử dụng các loại thuốc giả mạo đã được cảnh báo. Chỉ mua thuốc tại các nhà thuốc, quầy thuốc hợp pháp và có nguồn gốc rõ ràng. Kịp thời thông báo mọi nghi ngờ về thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc đến Sở Y tế hoặc các cơ quan chức năng liên quan.
– Thanh tra Sở Y tế: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược phẩm, cơ sở bán buôn, bán lẻ và sử dụng thuốc trên toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng đến nguồn gốc và xuất xứ của các loại thuốc.
– Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm: Đẩy mạnh việc lấy mẫu và kiểm tra chất lượng các loại thuốc lưu hành trên thị trường, đặc biệt là các thuốc có nguy cơ bị làm giả hoặc kém chất lượng, đồng thời báo cáo kịp thời các phát hiện về Sở Y tế và các cơ quan chức năng.
– Toàn thể các đơn vị, tổ chức và cá nhân: Nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế về tăng cường đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc.
Sở Y tế tỉnh An Giang kêu gọi toàn thể cộng đồng nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện và tố giác các hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc. Mọi thông tin phản ánh có thể được gửi về đường dây nóng của Sở Y tế tỉnh An Giang theo số điện thoại: 0969871919.
Việc phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực dược phẩm là một trong những ưu tiên hàng đầu của Sở Y tế nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Sở Y tế tỉnh An Giang tin tưởng rằng, với sự chung tay của cả cộng đồng, chúng ta sẽ đẩy lùi được tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng và thuốc không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh.
PHỤ LỤC DANH MỤC CÁC LOẠI THUỐC CHƯA ĐƯỢC CẤP SỐ ĐĂNG KÝ
(Kèm theo Công văn số 1268/SYT-NVD ngày 23/4/2025 của Sở Y tế An Giang)
1. Nhức khớp tê bại hoàn
2. Tui Hua Shen Jing Tong (thuốc thoái hoá Singapore)
3. Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ khai vị đại bổ hoàn
4. Professor’s Pill (khớp xanh)
5. Mujarhabat Kapsul (khớp đỏ)
6. Gai cốt hoàn
7. Toạ cốt thiên ma thống phong hoàn
8. Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn
9. Phong tê nhức Bạch Xà Vương
10. Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn
11. Đa xoang mũi
12. Viên vai cổ
13. Yuan Bone
14. Thoái cốt hoàn plus
15. Thoái hoá nhức khớp hoàn plus
16. Thoát hoá tọa cốt đơn
Nguồn: Công văn số 1268/SYT-NVD ngày 23/4/2025 của Sở Y tế An Giang
Tài Liệu đính kèm: Tải về
Nguồn Sở Y tế An Giang