Triệu chứng cận thị ở trẻ em rõ ràng nhất trong độ tuổi từ 7 đến 12 tuổi. Cận thị thường được phát hiện trong những năm đầu đi học và dần nặng hơn cho tới khi trẻ 20 tuổi. Sau 20 tuổi, độ cận thị thường ổn định.
* Các triệu chứng cận thị ở trẻ em.
1. Nhìn mờ khi nhìn các vật ở xa
Nhìn mờ khi nhìn các vật ở xa là dấu hiệu của cận thị đặc trưng và phổ biến nhất.
Trẻ cần phải thường xuyên cầm đồ vật ở gần mắt, ngồi gần tivi, cúi sát mặt xuống sách hoặc ngồi bàn đầu trong lớp học mới nhìn rõ được.
2. Cần phải nheo hoặc nhắm một bên mắt để nhìn rõ
Trẻ thường nheo mắt, nhăn trán khi phải nhìn một vật ở xa.
3. Mỏi mắt
Mỏi mắt khiến trẻ phải nháy mắt liên tục; cũng có thể dẫn đến đau đầu, mệt mỏi, chảy nước mắt, ngứa hoặc khô mắt.
4. Nhức đầu
Nếu trẻ hay than phiền về những cơn nhức đầu thường xuyên sau giờ học thì bạn hãy đưa trẻ khám mắt càng sớm càng tốt.
5. Dụi mắt thường xuyên
Nếu trẻ còn quá nhỏ và không thể nói cho bạn biết về cơn nhức đầu nhưng bé thường dụi mắt khi xem điện thoại, ti vi.
6. Một số các dấu hiệu của cận thị khác
– Giảm hứng thú khi tham gia thể thao, lười vận động ngoài trời
– Thành tích học tập giảm sút, viết chữ xấu, chép sai bài tập, …
– Giảm sự tập trung, mắt lừ đừ, không linh hoạt, …
Bác sĩ có thể tiến hành khám mắt để xác định mức độ cận thị và tư vấn cách điều chỉnh thị lực phù hợp để giúp trẻ có thể nhìn rõ hơn.
* Phòng ngừa dấu hiệu của cận thị bằng cách kiểm tra mắt thường xuyên.
Trẻ em cần được đo thị lực và tầm soát các bệnh về mắt với Bác sĩ nhãn khoa vào các khoảng thời gian sau: trước 1 tuổi, năm 3 tuổi và trước khi bước vào lớp 1, sau đó là 2 lần mỗi năm học.
Ngoài việc thăm khám mắt định kỳ, bạn có thể áp dụng một số cách đơn giản sau đây để ngăn ngừa tật cận thị:
Một là: Dành thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời và tiếp xúc với ánh nắng nhiều hơn. Hạn chế thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, … Hạn chế học tập và làm việc trong không gian thiếu ánh sáng. Nghỉ ngơi để thư giãn, cho trẻ ngủ đủ giấc (9-10 tiếng /ngày).
Hai là: Ăn thực phẩm bổ sung các dưỡng chất tốt cho mắt cận thị như thịt cá, trứng , sữa rau xanh, các loại củ màu đỏ, màu vàng: cà rốt, bí đỏ, đu đủ, nước ép trái cây tươi…
Tóm tắt, đừng bao giờ chủ quan trước dấu hiệu của cận thị của trẻ, hãy chủ động nhận biết trẻ bị cận thị và điều trị từ sớm ./.
Bs. Nguyễn Thị Phúc Loan – Khoa Khám bệnh – TTYT Chợ Mới