Ngày 15/9/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước dẫn đầu Đoàn công tác của tỉnh đến kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) trên địa bàn huyện An Phú.
Khảo sát tại Trường Mầm non An Phú
Khảo sát tại Trạm Y tế xã Phước Hưng
Khảo sát tại Trung tâm Y tế huyện An Phú
Đoàn công tác đã khảo sát thực tế công tác phòng chống dịch tại Trường Mầm non An Phú, Trạm Y tế xã Phước Hưng, Trung tâm Y tế huyện An Phú. Tại mỗi nơi đến, Đoàn công tác đánh giá việc triển khai, ghi nhận những khó khăn, những kiến nghị đề xuất của địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, TCM. Cùng đi với Đoàn công tác có đại diện Ban Giám đốc Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.
Bs. Phan Vân Điền Phương – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang khuyến cáo công tác phòng chống dịch
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và dịch mới nổi huyện An Phú; đối với dịch SXH: toàn huyện ghi nhận 242 ca mắc, giảm 797 ca (242/1.039 ca), giảm 4,3 lần so cùng kỳ năm 2022, không có ca tử vong; có 87 ổ dịch, giảm 277 ổ dịch (87/364 ổ dịch), giảm 4,17 lần so cùng kỳ năm 2022. Xã có số ca SXH cao như: Khánh An (75 ca), Phước Hưng (28 ca), thị trấn Long Bình (25 ca). Đối với bệnh TCM, toàn huyện ghi nhận 115 ca, giảm 29 ca (115/144 ca) so cùng kỳ năm 2022, có 1 ca tử vong tại xã Vĩnh Hậu (điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng); ghi nhận 13 ổ dịch, giảm 11 ổ dịch so cùng kỳ năm 2022. Địa bàn có ca mắc TCM cao: Thị trấn Đa Phước (22 ca), thị trấn An phú (13 ca), xã Vĩnh Hậu (10 ca).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước phát biểu chỉ đạo
Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước ghi nhận và biểu dương công tác phòng chống dịch của ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo và huyện An Phú có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, đề nghị các cấp, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là; không để dịch bùng phát trên toàn tỉnh, không để “dịch chồng dịch”. Tiếp tục thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng chống dịch.
Đối với ngành Y tế, cần tăng cường phối hợp mạnh mẽ hơn trong truyền thông; xử lý triệt để các ổ dịch; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh từ cộng đồng, trường học, bệnh viện; tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị, nâng cao năng lực điều trị; đảm bảo cơ số thuốc, hóa chất phòng chống dịch; thông tin, báo cáo hàng tuần cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh để điều hành kịp thời…
Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường truyền thông cho học sinh và phụ huynh phối hợp thực hiện; phối hợp ngành Y tế tập huấn đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế trường học, đặc biệt là các cơ sở giáo dục tư nhân. Tăng cường giám sát, chỉ đạo các trường đảm bảo các vật dụng như khăn, xà bông, vòi nước sạch để trẻ rửa tay đúng cách theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Đối với UBND các địa phương, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, huy động nhân dân tham gia phòng chống dịch, giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nguyên tắc 3 sạch; tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng tại khu vực có nguy cơ trên địa bàn.
Minh Hải
Khoa TT-GDSK, TT.KSBT tỉnh An Giang