Các thành phần của sữa mẹ thay đổi theo nhu cầu trẻ, tình cảm mẹ con và sức khỏe người mẹ để bảo đảm sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ và mẹ.
Từ phản xạ tiết sữa (phản xạ Prolactin) do động tác bú mút của trẻ sẽ kích thích bài tiết Prolactin. Prolactin vào máu, đến vú và làm cho vú sản xuất sữa, nếu trẻ bú nhiều thì tuyết sữa sẽ sản xuất nhiều sữa.
Ngoài Prolactin còn bài tiết Oxytoxin (Phản xạ Oxytocin) làm cho các tế bào cơ xung quanh nang sữa co lại và đẩy sữa ra ngoài. Phản xạ Oxytocin còn bị ảnh hưởng bởi ý nghĩ của bà mẹ. Khi bà mẹ có cảm giác cho con bú, muốn gần gũi, yêu thương con, … sẽ tăng cường phản xạ này.
Nếu bầu vú còn một lượng sữa lớn tồn đọng trong vú, chất ức chế sẽ tiết ra khiến cho vú ngưng tạo sữa. Vì vậy muốn tạo nhiều sữa thì phải cho trẻ bú thường xuyên hoặc vắt sữa ra.
Đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ mà sữa mẹ luôn biến đổi cho phù hợp. Theo các giai đoạn phát triển của trẻ, ta chia sữa mẹ thành các loại sau:
– Sữa non (sữa miễn dịch): sữa mẹ đặc biệt, chỉ được tiết ra trong 3 – 4 ngày đầu sau sinh. Sữa non sánh đặc, là chất lỏng có màu vàng nhạt hoặc trong, được tuyến vú người mẹ tiết ra với số lượng nhỏ trước khi bước vào giai đoạn cho con bú thực sự. Sữa non chứa ít chất béo nhưng lại giàu protein, chứa nhiều kháng thể và các yếu tố bảo vệ khỏi các bệnh tiêu chảy nhiễm trùng. Trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Sữa non đã có sẵn trong vú mẹ ngay khi trẻ sinh ra. Không nên cho trẻ bất cứ thức ăn, nước uống nào trước khi trẻ bắt đầu bú mẹ.
– Sữa chuyển tiếp (từ 5 đến 14 ngày sau khi sinh): Đây là sữa được tiết ra trong giai đoạn ngay sau khi sữa non hết và trước khi sữa trưởng thành bắt đầu được hình thành. Thành phần dinh dưỡng của sữa chuyển tiếp dần trở nên giống sữa trưởng thành và số lượng sữa mẹ cũng tăng lên.
– Sữa trưởng thành (khoảng hai tuần sau khi sinh): Sữa trưởng thành có chứa khoảng một nửa các protein có trong sữa non và chứa nhiều chất béo hơn sữa non. Trong những tháng đầu đời tốc độ tăng trưởng của trẻ sẽ giảm dần vì vậy hàm lượng protein có trong sữa mẹ cũng sẽ giảm dần kể từ ngày đầu tiên tiết sữa đến suốt quá trình cho con bú để đáp ứng phù hợp với nhu cầu tăng trưởng của bé.
– Đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ. Trong 6 tháng đầu đáp ứng 100%; 6-12 tháng tuổi sữa mẹ cung cấp 70% và 1-2 tuổi sữa mẹ cung cấp 30 – 40% nhu cầu năng lượng nên phần nhu cầu còn lại phải cung ứng từ bữa ăn dậm (ăn ngoài).
Không chỉ vậy mà mỗi cử bú của trẻ cũng khác nhau. Ta có thể đánh giá chúng qua các đặc điểm:
– Sữa mẹ thay đổi trong từng lần cho bú: Khởi đầu là nước sữa (để làm giảm cơn khát) rồi hàm lượng chất béo và năng lượng tăng dần và đạt mức cao nhất vào cuối cữ bú để thỏa mãn cơn đói của bé.
– Sữa đầu bữa: Là sữa được tiết ra đầu bữa bú của trẻ. Sữa đầu bữa có màu trắng trong, số lượng nhiều và cung cấp nhiều đạm, đường, nước và các chất dinh dưỡng khác.
– Sữa cuối bữa: Là sữa được tiết ra cuối bữa bú của trẻ. Bầu vú mẹ lúc này đã hết căng. Sữa cuối bữa có màu trắng đục vì chứa nhiều chất béo hơn sữa đầu bữa. Chất béo cung cấp nhiều năng lượng cho trẻ giúp trẻ lớn nhanh hơn.
– Sữa mẹ thay đổi theo thời tiết: thời tiết nóng, sữa được tiết ra tương đối nhiều hơn bình thường để cho bé có đủ nước.
– Sữa mẹ thay đổi theo giới tính của bé: Nếu con của mẹ là một bé trai thì sữa mẹ sẽ có năng lượng lớn hơn 25% so với một bé gái.
Tóm lại, Sữa mẹ thông qua cơ chế tiết hormon, thay đổi chất lượng theo nhu cầu, giới tính, cách tiết sữa và tình cảm mẹ con lam cho không có loại sữa nào hoàn hảo thay thể được sữa mẹ; Trẻ chỉ hưởng duy nhất một lần trong đời chúng ta hãy nâng niu duy trì chúng./.
Ths.Bs Lê Minh Uy – Phó Giám đốc TT.KSBT An Giang