Hưởng ứng “Ngày toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt – 01/11”, ngành Y tế kêu gọi mọi gia đình, mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em hãy tích cực sử dụng muối I-ốt, bột canh I – ốt hoặc các chế phẩm thức ăn có I-ốt trong bữa ăn hàng ngày để không bị mắc các bệnh rối loạn do thiếu I-ốt gây ra.
I-ốt là nguyên tố vi lượng rất quan trọng mà cơ thể người cần được cung cấp thường xuyên, liên tục, nhưng cơ thể không tự tổng hợp được. Do không tự tổng hợp được nên con người cần cung cấp i-ốt thông qua nguồn thức ăn, đồ uống hàng ngày. Sự hấp thu và đào thải iốt của cơ thể rất đơn giản. Nếu dư thừa lượng iốt cơ thể sẽ tự động đào thải theo nước tiểu. Nhưng thiếu hụt lại gây ra những nguy cơ lớn về rối loạn nội tiết và bệnh tật.
Trong mỗi giai đoạn phát triển của đời người, thiếu i-ốt sẽ gây nên tác hại khác nhau. Thiếu i-ốt trong thời kỳ bào thai có thể gây sảy thai, đẻ non, con đần độn, thiểu năng trí tuệ, bướu cổ sơ sinh. Thiểu năng trí tuệ và đần độn ở trẻ là tổn thương vĩnh viễn, không thể nào chữa được. Ở các lứa tuổi khác, thiếu i-ốt có thể gây nên bướu cổ và các biến chứng của nó như thiểu năng giáp, suy giảm khả năng lao động, ảnh hưởng đến phát triển sức khỏe. Thiếu i-ốt sẽ gây ra những hậu quả lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, sự phát triển của giống nòi và kinh tế – xã hội. Thiếu I-ốt tùy theo mức độ, thời gian mà gây nhiều hậu quả từ nhẹ đến nặng như: bướu cổ, đần độn, ở người lớn còn có sẩy thai, băng huyết, giảm trí nhớ… gọi chung là các rối loạn do thiếu I-ốt.
Sử dụng muối i-ốt là biện pháp chủ yếu để phòng, chống các bệnh tật rối loạn do thiếu i-ốt. Đây là phương pháp tiện lợi an toàn, rẻ tiền, dễ thực hiện. Có thể phòng tránh được bằng cách bổ sung một lượng i-ốt rất nhỏ vào bữa ăn qua việc sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường trong chế biến thức ăn hàng ngày. Ngoài ra, cũng có thể bổ sung i-ốt từ các loại hải sản vì những thực phẩm này rất giàu i-ốt.
Phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt: Để phòng ngừa tình trạng thiếu i-ốt, bạn cần lưu ý những điều sau:
1. Bổ sung thực phẩm giàu i-ốt: Cách đơn giản để cung cấp đủ i-ốt là dùng muối iốt trong các bữa ăn hàng ngày bằng cách bổ sung những thực phẩm giàu i-ốt gồm:
- Rong biển: Dùng một miếng rong biển sấy khô cung cấp 11 – 19,89% lượng i-ốt khuyến cáo mỗi ngày.
- Cá tuyết: Dùng 85g cá tuyết cung cấp 66% lượng i-ốt khuyến cáo mỗi ngày.
- Sữa chua: 250mg sữa chua cung cấp 50% lượng i-ốt khuyến cáo mỗi ngày.
- Tôm: 85g tôm cung cấp 23% lượng i-ốt khuyến cáo mỗi ngày.
- Trứng: 1 quả trứng lớn cung cấp 16% lượng i-ốt khuyến cáo mỗi ngày.
- Cá ngừ đóng hộp: Dùng 85g cá ngừ cung cấp 11% lượng i-ốt khuyến cáo mỗi ngày.
- Mận khô: 5 trái mận khô cung cấp 9% lượng i-ốt khuyến cáo mỗi ngày.
2. Sử dụng muối i-ốt
- 1,5g muối cung cấp 47% lượng i-ốt khuyến cáo mỗi ngày. Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh do thiếu i-ốt, thay vì dùng muối thường, chúng ta nên sử dụng muối i-ốt trong ăn uống và chế biến thức ăn hàng ngày. Có thể sử dụng muối i-ốt để ướp thịt, cá, nêm thức ăn đang nấu trên bếp,…
- Muối i-ốt có ưu điểm là không làm thay đổi mùi vị thức ăn. Ngay cả người không thiếu i-ốt vẫn có thể dùng muối do lượng i-ốt được trộn vào muối vẫn an toàn để dùng. Muối i-ốt được dùng hàng ngày (một cách có liều lượng) không ảnh hưởng đến sức khỏe vì cơ thể sẽ thải lượng i-ốt dư thừa ra ngoài theo nước tiểu.
- Tuy nhiên, bạn cần sử dụng muối i-ốt đúng liều lượng. Dung nạp quá nhiều i-ốt sẽ làm tăng gánh nặng cho chức năng tuyến giáp, dẫn đến suy giáp hoặc làm biến đổi chức năng tuyến giáp.
- Khi dùng muối i-ốt cần lưu ý: Cần để muối i-ốt trong lọ có nắp đậy kín. Do i-ốt là chất dễ bay hơi nên để muối i-ốt ở nơi khô ráo, không để muối i-ốt gần bếp lửa nóng hay nơi có ánh nắng chiếu vào, không rang muối i-ốt.
Vì vậy để phòng ngừa các rối loạn do thiếu iốt, người dân nên sử dụng muối iốt thay cho muối thường trong ăn uống và chế biến thức ăn hàng ngày. Phải bổ sung iốt liên tục mới đảm bảo đủ nhu cầu iốt, không nên dùng một thời gian rồi dừng ./.
Võ Thị Thùy Trang – Trung tâm Y tế TP Long Xuyên