Thời gian qua, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại nước ta đã được triển khai rộng khắp, công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được ưu tiên tại tất cả các cơ sở y tế, góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch. Hiện nay, mặc dù số ca mắc và tử vong do COVID-19 trên cả nước đã giảm rõ rệt, nhưng ở một số địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận những trường hợp phải điều trị tại bệnh viện do tình trạng bệnh nặng và vẫn ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Bên cạnh đó, theo thông tin Việt Nam hiện đã ghi nhận biến chủng mới nhất của Omicron là BA.5 xâm nhập. Nếu không tăng cường bao phủ các mũi vaccine tăng cường, số ca nặng và nguy kịch có thể gia tăng trở lại.
Theo nghiên cứu, hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vaccine phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng. Đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn. Do vậy, những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Đối với trước nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới, người đã từng mắc COVID-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm cả trẻ em và người lớn và khi tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh ở mức độ nghiêm trọng. Sau mắc bệnh, các hội chứng hậu COVID-19 vẫn là một trong những hội chứng có biểu hiện đa dạng, phức tạp nhất. Hậu COVID-19 có thể biểu hiện ở nhiều cơ quan như: hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, thận, da…trong thời gian dài, khiến sức khỏe con người bị suy giảm, ảnh hưởng đến khả năng lao động hoặc tham gia cuộc sống xã hội bình thường của người bệnh.
Tuy nhiên, song song với việc nước ta kiểm soát tốt sự lây lan dịch bệnh, cuộc sống người dân trở lại bình thường; hiện nay đã xuất hiện tâm lý chủ quan, từ chối không đi tiêm vaccine tại một số địa phương. Nhiều người dân đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ và cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết. Mặc khác, có nhiều tin đồn bất lợi khi tiêm vắc xin mũi nhắc lần 1 và chuẩn bị tiêm mũi nhắc 2 như giảm trí nhớ sau tiêm, bị hành sau tiêm không đi làm được, bị yếu sinh lý… Từ đó dẫn đến người dân không muốn tiêm vắc xin các mũi nhắc lại; thậm chí đã đăng ký rồi nhưng không chịu tiêm hoặc không cho con em tiêm. Mặc dù vậy, trong thời gian qua, ngành Y tế các cấp đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành mục tiêu triển khai tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời với triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) từ tháng 5/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ. Tại các điểm tiêm chủng luôn đảm bảo tính sẵn có của vaccine COVID-19. Ngành Y tế tại các địa phương đã nỗ lực đưa vaccine đến gần với người dân. Vì vậy, người đi tiêm chủng có thể tiếp cận vaccine ở các điểm tiêm chủng tại trạm y tế, các điểm tiêm chủng lưu động như trường học, nhà máy, … và tiêm chủng tại nhà, nên đã đạt nhiều kết quả khả quan. Cạnh đó, công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được ưu tiên tại tất cả các cơ sở y tế. Phản ứng sau tiêm mũi 3 ghi nhận được chủ yếu là các phản ứng thông thường như sưng đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi… tương tự như sau tiêm 2 mũi cơ bản. Phản ứng nặng sau tiêm chủng mũi 3 rất thấp, chỉ ghi nhận với tỷ lệ khoảng 3 trường hợp trong 10 triệu mũi tiêm.
Bên cạnh việc tăng cường truyền thông, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội, hệ thống giáo dục…trong việc vận động tiêm vaccine phòng COVID-19 phòng, chống dịch bệnh; thì việc tổ chức phát động chiến dịch tiêm chủng trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn quốc đi đầu, gương mẫu cũng đang được chú trọng. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng trước nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại, mọi người cần tích cực ủng hộ và chủ động đi tiêm nhắc lại các mũi vaccine phòng COVID-19./.
Nguyễn Minh Thời
TTYT Tịnh Biên