“Một số tình nguyện viên có phản ứng nhẹ và vừa như đau tại vị trí tiêm, đau đầu thoáng qua, tay khó cầm nắm chặt sau tiêm vài giờ đồng hồ, không cần điều trị gì”, PGS Thiểm cho hay.
PGS.TS Vũ Đình Thiểm – Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) – cho hay, sáng 12/4, 6 tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 có tên Covivac của Việt Nam bắt đầu tiêm mũi 2.
Những người này đã tiêm mũi 1 hôm 15/3. Theo kế hoạch, 28 ngày sau tiêm mũi 1 họ sẽ tiêm mũi 2.
Covivac là vaccine do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC thuộc Bộ Y tế) nghiên cứu, phát triển. Có 120 tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm giai đoạn 1.

“Đến nay 96 tình nguyện viên đã tiêm mũi 1 (80%). Ngoài buổi tiêm đầu tiên có 6 người, 6 buổi còn lại mỗi buổi tiêm cho 15 người“, PGS Thiểm nói và khẳng định không có ai có phản ứng nặng hay gặp yếu tố bất lợi sau tiêm.
“Một số tình nguyện viên có phản ứng nhẹ và vừa như đau tại vị trí tiêm, đau đầu thoáng qua, tay khó cầm nắm chặt sau tiêm vài giờ đồng hồ, không cần điều trị gì” – Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng thuộc NIHE cho biết chưa phát hiện bất thường trên xét nghiệm huyết học và sinh hóa đánh giá an toàn sau tiêm.
24 tình nguyện viên còn lại đã được xếp lịch tiêm. Dự kiến ngày 18/4 kết thúc việc tiêm mũi 1 đối với 120 tình nguyện viên.
PGS Thiểm cho hay với vaccine Covivac, dự kiến hoàn thành báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 vào giữa tháng 6 hoặc đầu tháng 7. Sau khi có báo cáo kết quả giữa kỳ và cuối kỳ của giai đoạn 1, nếu vaccine đạt tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh, trên cơ sở được Bộ Y tế phê duyệt, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với cỡ mẫu lớn hơn tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Bộ Y tế cho biết hiện nay, cả nước có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 theo các hướng công nghệ khác nhau.
(1) Công ty TNHH MTV vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là virus Baculo;
(2) Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) sử dụng công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi (tương tự công nghệ do IVAC đang sử dụng để sản xuất vaccine cúm mùa);
(3) Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (Nanogen) đang tiến hành phát triển 2 ứng viên vaccine COVID-19 (1) vaccine sub-unit dựa trên S-protein và vaccine VLP (Virus like particles) sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp;
(4) Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là virus sởi (POLYVAC đang là nhà sản xuất vaccine sởi) và đang trao đổi với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về phương án, kế hoạch hợp tác phát triển vaccine phòng COVID-19 theo công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V của Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya.
Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng của VABIOTECH, IVAC, Nanogen cho thấy các ứng viên vaccine có tính an toàn trên động vật và có tính sinh kháng thể kháng SARS-CoV-2.
Riêng vaccine Covinvac của VABIOTECH sẽ được thẩm định và thông qua đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1-2 trong tháng 7/2021.
Bộ Y tế cho biết các nhà sản xuất đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sớm hoàn thành các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Nguồn Bộ Y tế