Ngày 03/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban hành Chiến lược Chuẩn bị và Ứng phó với COVID-19 giai đoạn 2023-2025 với mục tiêu: (1) Giảm và kiểm soát số mắc, nhất là ở nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương; (2) Ngăn ngừa chẩn đoán và điều trị, giảm biến chứng, tử vong, hậu COVID-19; (3) Hỗ trợ các quốc gia trong quá trình chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn.
Tiếp theo, ngày 05/5/2023, WHO công bố “COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu” nhưng “đại dịch vẫn chưa kết thúc”; tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu; vi rút SARS-CoV-2 chưa biến mất hay bớt nguy hiểm, vẫn đang biến đổi và có nguy cơ xuất hiện các biến thể mới gây ra các đợt gia tăng mới về số ca mắc và tử vong. Vì vậy, các quốc gia không nên mất cảnh giác và bỏ qua các biện pháp phòng chống dịch.
Thực tế, dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc được ghi nhận tăng trở lại tại một số nước, nhất là vùng Đông Á – Nam Á (số liệu báo cáo hàng tuần của WHO). Nguyên nhân do giao thương đi lại trên thế giới ngày càng tăng khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát; trong cộng đồng đã xuất hiện thái độ chủ quan, không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh; một số người chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19 theo quy định, miễn dịch bảo vệ đã giảm nhiều theo thời gian, nhất là người có bệnh nền, nguy cơ cao. Vì vậy, dù tình trạng khẩn cấp chấm dứt, nhưng dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu và cần chuyển sang trạng thái mới: chiến lược phòng ngừa, quản lý và kiểm soát lâu dài, bền vững giống như các dịch bệnh khác.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc COVID-19 trong nước liên tục tăng trong những tuần gần đây, số ca nhập viện, phải thở oxy ngày càng nhiều gặp phải ở đối tượng nguy cơ, tiêm vắc xin phòng COVID-19 chưa đủ mũi.
Thống kê của Sở Y tế, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 17/5/2023 đã ghi nhận 200 trường hợp mắc COVID-19, số ca mắc bắt đầu gia tăng từ đầu tháng 5/2023 đến nay (trung bình 08 ca/ngày) và số ca chuyển nặng cũng có xu hướng tăng trở lại, không có trường hợp tử vong, nhưng cần phải có kế hoạch ứng phó phù hợp trong tình hình mới.
Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 với mục đích bảo vệ tốt nhất tính mạng và sức khỏe cộng đồng, ngày 17/5, Sở Y tế An Giang ban hành Kế hoạch số 51/KH-SYT về phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, với mục tiêu chung là chuyển trạng thái từ phòng chống dịch khẩn cấp sang quản lý dài hạn, bền vững; làm giảm sự lây lan, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh; giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong và hậu quả di chứng lâu dài do COVID-19.
Mục tiêu cơ bản là tăng tỉ lệ bao phủ vắc xin trên địa bàn tỉnh, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ cao, mắc bệnh nền; quản lý và tổ chức tốt công tác điều trị người mắc COVID-19 tại các tầng điều trị trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế đến mức thấp nhất lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh; tiếp tục công tác giám sát, phát hiện sớm trường hợp bệnh, ổ dịch COVID-19 trong cơ sở y tế, cộng đồng, từ đó có hướng dự báo, tổ chức công tác phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Theo đó, An Giang tăng tỉ lệ bao phủ vắc xin trên địa bàn tỉnh, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ cao, mắc bệnh nền, theo số liệu báo cáo của Bộ Y tế và phân tích 1415 ca tử vong do COVID-19 trong tỉnh từ đầu mùa dịch đến nay: trên 85% trường hợp tử vong gặp phải ở người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền và chưa được tiêm phòng COVID-19 đủ mũi. Vì vậy, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ là mục tiêu hàng đầu trong phòng chống dịch COVID-19 hiện nay.
Quản lý các người thuộc nhóm nguy cơ cao trên địa bàn: duy trì sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của Cấp ủy, Chính quyền và ban ngành đoàn thể các cấp trong thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh nói chung và quản lý người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19 trên địa bàn.
Đồng thời rà soát, lập danh sách quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19 trên địa bàn theo hướng dẫn tại Công văn số 10815/BYT-DP ngày 21/12/2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19; các nhóm cần ưu tiên tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 gồm: người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng, những người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính,….
Đảm bảo những người thuộc nhóm nguy cơ được tiêm đủ mũi theo khuyến cáo của ngành y tế: trong thời gian tới phải triển khai quyết liệt; tổ chức tiêm vét vắc xin, thành lập các tổ tiêm vắc xin phòng COVID-19 lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm vắc xin đầy đủ (trừ trường hợp chống chỉ định), đặc biệt là những người không di chuyển được.
Bên cạnh đó, tiếp tục tiêm mũi nhắc lại hằng năm cho các đối tượng, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ khi có khuyến cáo mới của WHO và Bộ Y tế. Ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhị giá (vaccine bivalent), vắc xin thế hệ mới có thể phòng cả chủng SARS-CoV-2 và biến thể Omicron cho người thuộc nhóm này.
Công tác truyền thông về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ mũi trong việc bảo vệ đối tượng nguy cơ: tuyên truyền cho cộng đồng hiểu về những biến chứng nguy hiểm khi người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19, dấu hiệu phát hiện, địa chỉ liên hệ với cơ quan y tế để có hướng dẫn chăm sóc, điều trị sớm và kịp thời. Đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người thuộc nhóm nguy cơ hiểu về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong; từ đó tự giác đến cơ sở y tế để được tiêm phòng vắc xin đủ mũi bảo vệ sức khỏe.
Về quản lý và tổ chức tốt công tác điều trị người mắc COVID-19 tại các tầng điều trị trên địa bàn tỉnh: An Giang tổ chức cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 trong tình hình hiện nay; bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, trang phục phòng hộ dành cho điều trị người mắc; đào tạo nhân lực bác sỹ, điều dưỡng đáp ứng yêu cầu cho chẩn đoán, điều trị, hồi sức tim phổi cơ bản – nâng cao, sử dụng máy thở, theo dõi và chăm sóc người bệnh ở các cấp điều trị,… Bên cạnh đó, hội chẩn, chuyển tuyến theo phân tầng điều trị; tăng cường công tác phòng và kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Ngoài ra, An Giang cũng tổ chức giám sát, phát hiện trường hợp bệnh, ổ dịch; tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng và tiêm chủng vắc xin; theo dõi và cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh trên thế giới, khu vực, trong nước; những biến chủng của COVID-19, từ đó có thể dự báo, đề xuất các biện pháp phòng chống kịp thời và hiệu quả. Thực hiện đánh giá nguy cơ định kỳ và đột xuất, triển khai ngay các đáp ứng trong phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ./.
Nguồn Cổng TTĐT tỉnh AG