Ca COVID-19 tăng lên, ghi nhận 5 trường hợp tử vong
Theo thống kê của Bộ Y tế trong 7 ngày (từ 7-13/5), cả nước ghi nhận hơn 15.600 ca mắc COVID-19, trung bình khoảng 2.234 ca/ ngày. Ngày có số ca mắc nhiều nhất là 115/ với 2.823 ca, thấp nhất là ngày 13/5 với 1.738 ca.
Trước đó, theo thống kê, trong 7 ngày từ 30/4- 6/5, cả nước ghi nhận 14.068 ca mắc COVID-19 mới, trung bình khoảng 2.010 ca/ ngày.
Như vậy, số mắc COVID-19 tuần này tăng khoảng 1.600 ca so với tuần trước đó.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.589.567 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.120 ca nhiễm).
Đến nay, cả nước đã có 10.632.049 người mắc COVID-19 khỏi bệnh. Trong tuần qua số bệnh nhân khỏi tăng nhanh, nhiều ngày số khỏi ở mức 800-900 ca/ ngày.
Trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 75 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 65 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 6 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 3 ca. So với tuần trước đó, số bệnh nhân nặng phải thở máy tuần này giảm.
Về số trường hợp tử vong do COVID-19, trong tuần qua ghi nhận 5 trường hợp tử vong tại Tây Ninh (2), Nam Định (1), Bến Tre (1) và Sóc Trăng (1).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.201 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Đến nay, tổng số vaccine COVID-19 đã được tiêm là 266.322.705 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.678.970 liều: Mũi 1 là 70.908.698 liều; Mũi 2 là 68.452.940 liều; Mũi bổ sung là 14.343.927 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.119.279 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.854.126 liều.;
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.543 liều: Mũi 1 là 9.130.889 liều; Mũi 2 là 9.021.366 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.288 liều;
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.678.192 liều: Mũi 1 là 10.220.411 liều; Mũi 2 là 8.457.781 liều.
“Chúng ta vẫn phải cảnh giác và có biện pháp thích hợp với COVID-19”
Sau tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus – Tổng Giám đốc WHO khuyến cáo các quốc gia cần lồng ghép COVID-19 vào chương trình tiêm chủng suốt đời và vẫn cần chuẩn bị năng lực ứng phó cho bất kỳ đợt bùng phát dịch nào trong tương lai.
Nhờ tỷ lệ bao phủ rộng tiêm phòng vaccine COVID-19 trên toàn thế giới cùng với biến thể Omicron ít gây chuyển nặng nên giờ đây các ca nhiễm và tử vong do COVID-19 đang ở mức thấp nhất trong 3 năm.
Dù COVID-19 đã được WHO coi không còn là tình trạng y tế công khẩn cấp nhưng dịch bệnh vẫn còn đó và virus không tự biến mất và vẫn là một phần trong cuộc sống của chúng ta. Các quốc gia vẫn cần nâng cao năng lực ứng phó và không được lơ là, mất cảnh giác. Tổng Giám đốc WHO cho biết WHO vẫn có thể khôi phục tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với dịch COVID-19 bất kể lúc nào nếu tình hình dịch nguy cấp trên thế giới.
Cũng liên quan đến COVID-19, trong tuần qua, trả lời báo chí, TS. Angela Pratt – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh: có điểm tương đồng giữa COVID-19 và cúm mùa; tuy nhiên COVID-19 không theo mùa, trong khi cúm mùa thường vào mùa đông. Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu về COVID-19. Có thể nói rằng quá sớm để khẳng định COVID-19 giống như bệnh cúm mùa.
TS Angela Pratt cho rằng: “Đây không phải là lúc chúng ta nghỉ ngơi, số ca mắc vẫn tăng, vẫn có ca bệnh cần chăm sóc đặc biệt và vẫn có tử vong. Vì thế, dù miễn dịch trong cộng đồng do mắc phải và tiêm vaccine cao nhưng chúng ta vẫn phải cảnh giác và có biện pháp thích hợp“.
Người thuộc nhóm nguy cơ cao cần chủ động tiêm các mũi vaccine COVID-19 tăng cường để phòng bệnh
Về tiêm vaccine COVID-19, PGS.TS Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW nhấn mạnh: Vaccine COVID-19 cũng như các vaccine khác qua thời gian miễn dịch đều giảm dần. Đối với những người mắc COVID-19 theo thời gian miễn dịch cũng suy giảm.
Do đó chúng tôi khuyến cáo những người thuộc nhóm nguy cơ cao như có bệnh nền, suy giảm miễn dịch… cần chủ động đăng ký tiêm các mũi vaccine tăng cường để phòng bệnh. Thậm chí, người đã mắc bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục có mũi tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của WHO.
Các chuyên gia cũng tiếp tục khuyến cáo trong thời gian tới chúng ta vẫn cần duy trì 2K, vaccine, thuốc điều trị, công nghệ và ý thức người dân trong việc phòng, chống COVID-19 lâu dài.
Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, hiện nay, tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã giảm đi rất thấp so với trước đây vào giai đoạn bùng phát mạnh năm 2021. Mặc dù vậy, tỷ lệ tử vong do COVID-19 hiện nay ở mức 0,37%, vẫn cao hơn so với những bệnh truyền nhiễm khác.
Chính vì vậy, chúng ta không thể chủ quan và vẫn luôn phải sẵn sàng ứng phó, sẵn sàng để nâng cao năng lực chuyên môn cũng như có các kế hoạch, phương án để linh hoạt, chuyển đổi đáp ứng điều trị khi cần thiết.
Trong trường hợp các ca bệnh nhập viện tăng lên, gây quá tải bệnh viện hoặc xuất hiện các biến chủng nguy hiểm gây bệnh nặng thì chúng ta cũng phải chuẩn bị để quay trở lại giải pháp thành lập các cơ sở điều trị COVID-19 như trước đây trong giai đoạn bùng phát dịch./.
Nguồn báo Sức khỏe & Đời sống